Nhịn ăn, ăn kiêng để giảm cân hay vì lý do nào đó không được cung cấp đủ dinh dưỡng như mắc chứng rối loạn khiến việc ăn uống hoặc hấp thụ thức ăn trở nên khó khăn hoặc có nhu cầu calo tăng lên rất nhiều trong thời kỳ tăng trưởng nhanh đều có thể gây ra tình trạng suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng là sự mất cân bằng giữa chất dinh dưỡng cơ thể cần và chất dinh dưỡng cơ thể nhận được. Do đó, ngoài thiếu hụt thì suy dinh dưỡng cũng bao gồm tình trạng dinh dưỡng quá mức (tiêu thụ quá nhiều calo hoặc quá nhiều chất dinh dưỡng cụ thể như protein, chất béo, vitamin, khoáng chất hoặc thực phẩm bổ sung khác). Đối với trẻ em, nuôi dưỡng kém hoặc sai cách là nguy cơ gây suy dinh dưỡng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
1. Dấu hiệu suy dinh dưỡng trẻ em
Các bác sĩ thường có thể chẩn đoán tình trạng suy dinh dưỡng dựa trên ngoại hình, chiều cao, cân nặng và tình trạng của người đó (bao gồm thông tin về chế độ ăn uống và giảm cân).
Tình trạng thiếu dinh dưỡng thường biểu hiện rõ ràng: Người thiếu cân, xương thường nhô ra, da khô kém đàn hồi, tóc khô và dễ rụng. Trẻ không phát triển hoặc tăng cân ở mức mong đợi (tăng trưởng chậm lại); thay đổi hành vi, chẳng hạn như cáu kỉnh, chậm chạp hoặc lo lắng bất thường; mức năng lượng thấp và dễ mệt mỏi hơn những đứa trẻ khác.
Các triệu chứng suy dinh dưỡng ở trẻ em có thể bao gồm:
- Thiếu quan tâm đến thức ăn hoặc đồ uống.
- Luôn cảm thấy lạnh.
- Thường xuyên bị ốm và hồi phục lâu hơn.
- Hành vi và trí tuệ phát triển chậm, khó khăn trong học tập…
2. Thiếu calo và protein gây suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng protein – năng lượng là tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng protein và calo, xảy ra khi con người không tiêu thụ đủ protein và calo trong một thời gian dài. Đói là dạng thiếu dinh dưỡng protein – năng lượng nghiêm trọng nhất. Nó là kết quả của việc thiếu chất dinh dưỡng hoàn toàn trong một thời gian dài.
Suy dinh dưỡng thường được coi là sự thiếu hụt chủ yếu về calo (nghĩa là lượng tiêu thụ thực phẩm tổng thể) hoặc thiếu protein. Theo BS. Lê Thị Loan, Viện Dinh dưỡng, protein đã được xác định là chất quan trọng số một hay yếu tố tạo nên sự sống, là nguyên liệu cấu trúc, xây dựng và tái tạo các tổ chức trong cơ thể, là thành phần chính của các kháng thể giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, thực hiện chức năng miễn dịch, giúp cơ thể phát triển cả tầm vóc và trí tuệ.
Thiếu vitamin và thiếu khoáng chất thường được coi là những rối loạn riêng biệt. Tuy nhiên, khi lượng calo bị thiếu thì vitamin và khoáng chất cũng có thể bị thiếu.
3. Các dạng suy dinh dưỡng chính
Suy dinh dưỡng tiến triển theo từng giai đoạn. Khi tiêu thụ không đủ lượng calo, trước tiên cơ thể sẽ phân hủy chất béo của chính mình và sử dụng nó làm calo – giống như “đốt đồ đạc” để giữ ấm trong nhà. Sau khi sử dụng hết lượng mỡ dự trữ, cơ thể có thể phá vỡ các mô khác, chẳng hạn như cơ và các mô trong các cơ quan nội tạng, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm cả tử vong.
Suy dinh dưỡng protein – năng lượng có ba dạng chính:
- Marasmus
- Kwashiorkor
- Marasmic kwashiorkor
Marasmus: Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lượng calo và protein. Nó có xu hướng phát triển ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường dẫn đến giảm cân, mất cơ, mỡ và mất nước. Nuôi con bằng sữa mẹ thường bảo vệ khỏi marasmus.
Kwashiorkor: Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lượng protein nhiều hơn lượng calo. Kwashiorkor ít phổ biến hơn marasmus.
Kwashiorkor có xu hướng chỉ giới hạn ở một số khu vực nhất định trên thế giới, nơi các loại thực phẩm chủ yếu và thực phẩm dùng cho trẻ cai sữa bị thiếu protein mặc dù chúng cung cấp đủ lượng calo dưới dạng carbohydrate. Ví dụ về các loại thực phẩm như vậy là khoai mỡ, sắn, gạo, khoai lang và chuối xanh. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có thể phát triển kwashiorkor nếu chế độ ăn uống của họ chủ yếu bao gồm carbohydrate. Những người bị bệnh kwashiorkor giữ lại chất lỏng, khiến họ có vẻ sưng húp và sưng tấy. Nếu kwashiorkor nghiêm trọng, bụng có thể nhô ra.
Marasmic kwashiorkor: Tình trạng này xảy ra khi một đứa trẻ mắc chứng kwashiorkor không tiêu thụ đủ lượng calo. Những trẻ em mắc chứng rối loạn này giữ lại chất lỏng, đồng thời cơ và mô mỡ bị lãng phí.
4. Hậu quả của suy dinh dưỡng với trẻ em
Theo UNICEF, trên toàn cầu, ít nhất 13,6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, nguyên nhân gây ra 1/5 số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, khiến bệnh này trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sự sống còn của trẻ em. Một đứa trẻ gầy còm nghiêm trọng có nguy cơ tử vong vì các bệnh thông thường ở trẻ em như viêm phổi cao gấp 11 lần so với một đứa trẻ khỏe mạnh, nguyên nhân truyền nhiễm gây tử vong lớn nhất ở trẻ em trên toàn thế giới.
Trẻ em suy dinh dưỡng có tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Một trong những yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển nhận thức đó là dinh dưỡng. Theo một nghiên cứu cho thấy, thời thơ ấu dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng do não phát triển nhanh chóng trong suốt giai đoạn này.
Các nghiên cứu đã báo cáo các kỹ năng vận động, hành vi thích ứng, ngôn ngữ và kỹ năng xã hội kém ở trẻ suy dinh dưỡng. Nhiều loại suy giảm nhận thức đã được báo cáo ở trẻ suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng cũng liên quan đến sự thiếu hụt về trí nhớ, khả năng phối hợp vận động thị giác và các kỹ năng xã hội. Ngoài ra, điểm IQ giảm có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy dinh dưỡng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ngày dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam.