06/05/2023
1. Vai trò của tiêm chủng
Sự xuất hiện của vắc-xin được xem là một thành tựu y học vĩ đại của loài người vì kể từ khi vắc-xin ra đời nhân loại đã có được một loại vũ khí hữu hiệu để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chính vì lợi ích của vắc-xin mang lại cho con người là vô cùng to lớn nên ngày nay hoạt động tiêm chủng được phổ cập và khuyến nghị ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Vắc-xin thường chia thành 2 loại: vắc-xin sống giảm động lực và vắc-xin bất hoạt:
- Vắc-xin sống giảm động lực: Vắc-xin BCG, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, rotavirus, viêm não nhật bản (Imojev). Vắc-xin bại liệt, thương hàn, cúm dạng uống.
- Vắc-xin bất hoạt: bạch hầu, ho gà, uốn ván, hemophilus influenza, viêm gan B, viêm gan A, phế cầu, não mô cầu, bại liệt tiêm, cúm dạng tiêm, viêm não nhật bản (Jevac), thương hàn dạng tiêm.
2. Những trẻ nào thuộc nhóm có bệnh gan mạn tính
Các trẻ có tình trạng tổn thương gan kéo dài trên 6 tháng là trẻ có bệnh gan mạn tính. Có nhiều bệnh lý gan mạn tính có thể ảnh hưởng tới trẻ em như: bệnh teo đường mật bẩm sinh, viêm gan virus mạn tính, bệnh thiếu hụt citrin, hội chứng Alagille, rối loạn chuyển hóa mật, bệnh Wilson, xơ gan….
3. Tại sao phải tiêm chủng cho trẻ có bệnh gan mạn tính?
Bệnh nhân bị bệnh lý gan mạn tính thường bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất và phải nhập viện nhiều lần. Việc tiêm phòng vắc-xin sẽ giúp trẻ tạo miễn dịch chống các bệnh truyền nhiễm cũng như chuẩn bị cho các bước điều trị tiếp theo như cắt lách – phẫu thuật làm cầu nối cửa chủ, ghép gan…
4. Khi nào nên tiêm chủng cho trẻ có gan mạn tính?
- Bệnh nhân bị bệnh gan mạn tính cần được tiêm chủng đủ theo lịch tiêm chủng thường qui ngay khi đủ điều kiện an toàn của tiêm chủng, trừ các chống chỉ định theo từng bệnh lý cụ thể và theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
- Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa đang chăm sóc con bạn trước khi tiến hành tiêm chủng để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của việc tiêm chủng.
5. Các loại vắc-xin cần được chỉ định cho trẻ có bệnh gan mạn tính
- Vắc-xin bại liệt đường uống cần được chỉ định không chỉ cho các bệnh nhân chuẩn bị ghép gan mà còn cho cả những người sống cùng nhà với người bệnh.
- Sử dụng các biện pháp tăng cường miễn dịch thụ động như tiêm Immunoglobulin phòng bệnh cho các bệnh nhân có tình trạng phơi nhiễm (như trẻ bị phơi nhiễm với bệnh sởi).
- Đối với những vắc-xin phải tiêm nhắc lại trẻ phải tiêm nhắc lại đầy đủ theo lịch. Riêng các trẻ lớn có mắc bệnh gan mạn tính nên tiêm chủng bạch hầu, uốn ván nhắc lại mỗi 10 năm. Bệnh nhân ghép gan phải tiêm vắc-xin nhắc lại kể cả khi trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ trước ghép để đảm bảo khả năng bảo vệ của vắc-xin.
- Ngoài các vắc-xin tiêm chủng theo lịch thường quy, các bệnh nhân có bệnh gan mật mạn tính được khuyến cáo tiêm phòng bổ sung các loại vắc-xin: viêm gan A, viêm gan B, phế cầu, não mô cầu, Hemophilus Influenza.
6. Bệnh nhân nào có chống chỉ định và trì hoãn tiêm chủng?
- Chống chỉ định và trì hoãn tiêm chủng theo quy định chung của tiêm chủng.
- Các bệnh nhân có biểu hiện suy gan nặng, đặc biệt có rối loạn đông máu nặng.
- Các bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật nối mật ruột và ngay sau phẫu thuật: trì hoãn tiêm chủng vắc-xin Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván.
- Các bệnh nhân đã phẫu thuật nối mật ruột: chống chỉ định tiêm phòng vắc-xin Rotavirus.
- Không tiêm phòng vắc-xin sống giảm động lực cho bệnh nhân Glycogenose typ Ib
- Các loại vắc-xin sống: Chống chỉ định cho các bệnh nhân trong vòng 4 tuần trước ghép gan và sau khi ghép gan
- Các loại vắc-xin bất hoạt: tiêm phòng cho bệnh nhân chuẩn bị ghép gan phải tiêm trước ghép ít nhất 2 tuần.
7. Tại sao trẻ có chỉ định cắt lách phải tiêm chủng trước khi làm phẫu thuật?
- Trẻ sau cắt lách dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm phế cầu, não mô cầu và hemophilus influenza. Vì vậy ngoài nguyên tắc tiêm chủng trên, các trẻ có chỉ định cắt lách cần tiêm phòng phế cầu, não mô cầu, hemophilus influenza.
- Nên tiêm phòng từ 10 đến 12 tuần và hoàn thành tiêm chủng trước 14 ngày trước khi tiến hành phẫu thuật. Nếu không thể hoàn thành việc tiêm chủng trước khi cắt lách, có thể tiến hành bổ sung các mũi tiêm còn thiếu sau khi cắt lách 14 ngày.
8. Tại sao phải tiêm chủng cho bệnh nhân trước và sau ghép gan?
Sau ghép gan bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài. Vì vậy bệnh nhân dễ mắc các bệnh nhiễm trùng sau ghép. Tiêm chủng cho trẻ trước và sau khi ghép gan giúp hạn chế bị bệnh truyền nhiễm, giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong sau ghép cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống sau ghép.
8.1. Tiêm chủng trước ghép gan
- Chỉ định như bệnh gan mạn tính.
- Tiêm vắc-xin bất hoạt trước ghép ít nhất 2 tuần, tiêm vắc-xin sống giảm động lực trước ghép ít nhất 4 tuần.
- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch, lọc máu: tiêm vắc-xin viêm gan B gấp đôi liều µg và không dùng vắc-xin viêm gan A+ B (Twinrix).
8.2. Tiêm chủng sau ghép gan
- Sau khi ghép gan trẻ cần được tiêm phòng vắc-xin kể cả khi trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ trước ghép.
- Thời gian bắt đầu tiêm vắc-xin cũng như liều lượng tùy từng loại vắc-xin.
- Chống chỉ định tiêm vắc-xin sống giảm động lực.
9. Cần lưu ý gì sau tiêm phòng cho bệnh nhân gan mạn tính?
Các bệnh nhân có bệnh lý gan mạn tính sau khi tiêm chủng ngoài lưu ý các triệu chứng thường gặp sau tiêm chủng ở các trẻ thông thường như sốt, phản ứng tại chỗ tiêm, phát ban, rối loạn tiêu hoá, phản vệ…Cần lưu ý thêm một số các biểu hiện bất thường như:
- Do rối loạn đông máu trên bệnh lý nền có sẵn, bệnh nhân có thể có xuất huyết hoặc bầm tím tại nơi tiêm chủng.
- Lưu ý các phản ứng phụ hiếm gặp sau tiêm chủng ở trẻ có bệnh gan như mệt mỏi, biếng ăn, vàng da tăng lên, tiểu vàng sậm hoặc đỏ như nước vối.
- Khi xảy ra các phản ứng bất thường, cần đưa trẻ tới kiểm tra ngay tại cơ sở y tế gần nhất, ngoài việc kiểm tra và giám sát các phản ứng bất lợi như trong các trường hợp tiêm chủng thông thường, cần kiểm tra thêm các xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm đông máu và các xét nghiệm khác theo từng bệnh lý chuyên khoa.
Khoa Gan mật Bệnh viện Nhi Trung ương là nơi có đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực gan mật trẻ em, có thể cung cấp những phương pháp điều trị tiên tiến nhất hiện có tại Việt Nam về lĩnh vực gan trẻ em khi bạn cần. Đội ngũ chuyên gia của chúng tôi bao gồm các bác sĩ phẫu thuật gan mật, hồi sức ngoại khoa và các y bác sỹ chuyên ngành gan mật nhiều kinh nghiệm luôn sẵn sàng phục vụ bệnh nhân trong trường hợp cần thiết.
Nếu bạn nghi ngờ con mình có các triệu chứng bất thường về bệnh lý gan mật, hãy đưa các bé tới phòng khám chuyên khoa Gan mật C103-C104 tại Khoa Khám bệnh Chuyên khoa – Bệnh viện Nhi Trung ương.
Khoa Gan mật – Bệnh viện Nhi Trung ương