Bệnh nấm đen (Mucormycosis)

-

13/12/2021

Bệnh nấm đen còn gọi Mucomycosis (trước đây gọi Zygomycosis) là bệnh nhiễm trùng xâm lấn được đặc trưng bởi nhồi máu và hoại tử mô, tổn thương thường có màu đen.

Một số hình ảnh tổn thương của bệnh nấm đen và hình ảnh sợi nấm đen

(https://bmcinfectdis.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12879-020-05337-4)

Bệnh nấm đen và căn nguyên gây bệnh

Bệnh nấm đen còn gọi Mucomycosis (trước đây gọi Zygomycosis) là bệnh nhiễm trùng xâm lấn được đặc trưng bởi nhồi máu và hoại tử mô, tổn thương thường có màu đen.

Theo ước tính của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) có 1,7 trường hợp/1 triệu dân, bệnh hiếm gặp, thường gặp các trường hợp lẻ tẻ, rất hiếm khi gây dịch. Bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, tỷ lệ tử vong chung tới 54%, tỷ lệ này thay đổi tùy thuộc loại vi nấm gây bệnh và vị trí nhiễm trùng (tỷ lệ tỷ vong do nhiễm trùng xoang 46%, nhiễm trùng phổi 76%, nhiễm trùng lan tỏa 96%).Tại Ấn Độ, mặc dù không có số liệu khảo sát chính xác về bệnh này, nhưng ước đoán gấp 70 lần số liệu toàn cầu. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, bệnh máu ác tính, ghép tạng, mắc covid

Bệnh nấm đen (Mucomycosis) do căn nguyên là các vi nấm trong bộ Mucorales như: Rhizopus, Mucor, Apophysomyces và Lichtheimia…Vi nấm bình thường sống ở môi trường như đất, nước, không khí, nhất là chất hữu cơ (như rau quả) đang thối rữa và hiếm khi gây bệnh trên người.

Chi Rhizopus thì Rhizopus arrhizus là căn nguyên phổ biến trên toàn cầu, Rhizopus microsporus, Rhizopus homothallicus cũng đang gia tăng.

Chi Mucor gây bệnh phổ biến là loài M. circinelloides

Chi Apophysomyces có bốn loài thường gặp là A. elegans, A. mexicanus, A. ossiformis A. variabilis được báo cáo là tác nhân gây nhiễm trùng ở cả bệnh nhân có miễn dịch bình thường và suy giảm miễn dịch.

Chi Lichtheimia gây bệnh chủ yếu do loài L. ramosa.

Đường lây truyền

Bào tử vi nấm có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, qua tổn thương ở da, qua đường tiêu hóa và trở thành tác nhân gây bệnh. Vào cơ thể có thể gây nhiễm trùng nhiều cơ quan như gây viêm xoang, viêm phổi, viêm da, xâm nhập vào não gây đột quỵ và có tỷ lệ tử vong cao.

Không tìm thấy bằng chứng lây lan giữa người và người

Chẩn đoán phòng xét nghiệm và thuốc kháng nấm

Hiện nay, phương pháp chẩn đoán căn nguyên gây bệnh nấm đen gặp nhiều khó khăn. Lấy bệnh phẩm là mảnh sinh thiết tùy thuộc vào vị trí tổn thương, thực hiện kỹ thuật soi dưới kính hiển vi và nuôi cấy để xác định căn nguyên gây bệnh.

Nấm đen là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, tổn thương thường được cắt lọc và được điều trị bằng thuốc kháng nấm. Thuốc kháng nấm amphotericin B, posaconazole hoặc isavuconazole được chứng minh có hiệu quả trong điều trị bệnh, bệnh nhân có thể dùng thuốc kháng nấm tới 6 tuần. Các loại thuốc kháng nấm fluconazole, voriconazole và echinocandins không có tác dụng với nấm gây bệnh mucormycosis do kháng tự nhiên.

Tài liệu tham khảo:

1. CDC, Mucormycosis Statistics

https://www.cdc.gov/fungal/diseases/mucormycosis/statistics.html

2. Erick Martínez-Herrera, María Guadalupe Frías-De-León, Angélica Julián-Castrejón, Luis Cruz-Benítez, Juan Xicohtencatl-Cortes & Rigoberto Hernández-Castro. Rhino-orbital mucormycosis due to Apophysomyces ossiformis in a patient with diabetes mellitus: a case report.

https://bmcinfectdis.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12879-020-05337-4

3. CDC, Treatment for Mucormycosis

https://www.cdc.gov/fungal/diseases/mucormycosis/treatment.html

4. Hariprasath Prakash, Arunaloke Chakrabarti. Epidemiology of Mucormycosis in India.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8000977/

5. S Sharma, M Grover, S Bhargava, S Samdani,T Kataria. Post coronavirus disease mucormycosis: a deadly addition to the pandemic spectrum.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8060545/

Lê Thị Liêu – Khoa Vi sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương

 

Kết Nối

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Bài Viết Phổ Biến

    Danh Mục