Nuôi cấy helicobacter pylory – xét nghiệm có giá trị cao trong chẩn đoán và điều trị viêm loét dạ dày tá tràng

-

13/12/2021

Hai nhà khoa học Robin Warren và Barry Marshall nhận thấy có mối liên quan giữa tình trạng viêm và số lượng vi khuẩn Helicobacter pylory (H. pylori) trong mảnh sinh thiết dạ dày.

Câu hỏi được đặt ra: H. pylori gây viêm dạ dày hay viêm dạ dày tạo điều kiện để H. pylori trở thành căn nguyên gây bệnh. Marshall làm thí nghiệm trên chính bản thân mình, ông đã nuốt vi khuẩn H. pylori, sau đó ông bị viêm niêm mạc dạ dày, tiến hành nội soi và sinh thiết vùng viêm đã xác định được H. pylori. Năm 2005, Marshall và Warren đã được trao giải Nobel Y học vì đã phát hiện ra vi khuẩn này và vai trò của nó trong bệnh loét dạ dày tá tràng.

Ước tính tỷ lệ nhiễm H. pylori ở người lớn các nước đang phát triển là 76% và ở các nước phát triển là 58%. Tỷ lệ nhiễm ở trẻ em khoảng 60% tại Iran, khoảng 40% ở trẻ em vùng Tây nguyên Việt Nam. Năm 1994, Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp H. pylori vào nhóm 1 các tác nhân gây ung thư dạ dày. Hiện nay, H. pylori được coi là căn nguyên phổ biến nhất của các bệnh ung thư liên quan đến nhiễm trùng, chiếm 5,5% gánh nặng ung thư toàn cầu.

Đặc điểm của vi khuẩn H. pylori

H. pylori là vi khuẩn gram âm, đa dạng về hình dáng: hình cong, xoắn lượn, chữ S, cánh chim, có 3-5 lông ở một đầu để di chuyển. H. pylori có các enzym oxydase, catalase và urease. Enzym urease hoạt động mạnh là tính chất dùng để phân biệt H. pylori với các vi khuẩn có hình cong khác như Campylobacter, cũng nhờ enzym này chuyển hóa ure tạo môi trường trung tính xung quanh H. pylori, nhờ đó vi khuẩn này sống được trong môi trường pH axit của dạ dày. H. pylori có thể tồn tại nhiều năm trong dạ dày mà cơ thể không thể đào thải được nếu không có biện pháp điều trị.

Đường lây nhiễm

H. pylori lây qua đường tiêu hóa:

Đường phân- miệng: do thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm H. pylori, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân chính của việc lây nhiễm H. pylori.

Đường miệng – miệng: H. pylori tồn tại trong khoang miệng như trong nước bọt, mảng bám răng…có thể lây truyền từ người này sang người khác qua ăn uống dùng chung bát, đũa, thìa, qua hôn trực tiếp.

Để tránh lây nhiễm H. pylori nên ăn chín, uống sôi, không nên gắp thứa ăn cho nhau, không nhúng thìa, đũa cùng vào bát canh, bỏ tập tục mớm thức ăn cho trẻ.

Xét nghiệm nuôi cấy H. pylori trong chẩn đoán và điều trị viêm loét dạ dày tá tràng

Tính trung bình H. pylori nhiễm một nửa số dân trên toàn thế giới, hầu hết đều không có triệu chứng lâm sàng. Nhiều nghiên cứu chứng minh nhiễm H. pylori làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư dạ dày hay việc liệu pháp điều trị loại bỏ H. pylori giảm đáng kể nguy cơ ung thư dạ dày ở người bị nhiễm.

Có rất nhiều phương pháp chẩn đoán nhiễm H. pylori bao gồm phương pháp không xâm nhập như xác định kháng thể trong máu, xác định kháng nguyên trong phân, xét nghiệm Ure C13 hơi thở. Phương pháp xâm nhập như nội soi sinh thiết dạ dày làm mô bệnh học, nuôi cấy.

Phương pháp nuôi cấy mảnh sinh thiết dạ dày không chỉ xác định được căn nguyên H. pylori, mà còn xác định được mức độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh giúp bác sỹ lựa chọn được kháng sinh phù hợp nhất để điều trị cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp bệnh nhân không được thăm khám và xét nghiệm nuôi cấy mà tự dùng thuốc kháng sinh để điều trị, không tuân thủ loại kháng sinh, liều lượng, thời gian dùng kháng sinh dẫn đến mất thời gian điều trị, độc tính của thuốc cho bệnh nhân, bệnh không khỏi, xuất hiện tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh. Vi khuẩn H. pylori tiếp tục tồn tại gây bệnh cho bệnh nhân và lây truyền cho các thành viên khác đặc biệt các thành viên trong gia đình, trong cùng nhà trẻ mẫu giáo…

Xét nghiệm nuôi cấy H. pylori được thực hiện khi bệnh nhân có chỉ định nội soi dạ dày, được lấy mảnh sinh thiết nhỏ tại vị trí dạ dày tổn thương. Mảnh sinh thiết được bảo quản trong môi trường đặc biệt và vận chuyển về phòng xét nghiệm có khả năng thực hiện được xét nghiệm này. Sau thời gian nuôi cấy từ 3 – 5 ngày trong điều kiện vi hiếu khí phù hợp với vi khuẩn, nếu xác định được vi khuẩn H. pylori sẽ thực hiện tiếp thử nghiệm xác định tính nhạy cảm với một số kháng sinh cho vi khuẩn. Sau khoảng 3 – 5 ngày tiếp theo sẽ xác định được kháng sinh nào có thể dùng điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo

1. Parkin, D. M., F. Bray, J. Ferlay, and P. Pisani. 2005. Global cancer statistics, 2002. CA Cancer J. Clin. 55:74-108

2. Lê Tho, Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học nhiễm Helicobacter pylori ở trẻ em vùng Tây Nguyên, Việt Nam.

3. Jafar Soltani, Jalil Amirzadeh, Soheila Nahedi, Sirous Shahsavari, Prevalence of Helicobacter Pylori Infection in Children, a Population-Based Cross-Sectional Study in West Iran,

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3574986/

Trần Thị Nõn – Khoa Vi sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương

Kết Nối

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Bài Viết Phổ Biến

    Danh Mục