Sàng lọc bệnh rối loạn chuyển hóa Galactose (Galactosemia)

-

30/09/2021

Bệnh Galactosemia là một bệnh rối loạn chuyển hóa di truyền, hiếm gặp, ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa galactose của cơ thể (một loại đường có trong sữa, kể cả sữa mẹ) thành glucose (một loại đường khác)

Bệnh rối loạn chuyển hóa galactose (Galactosemia) là gì và nguyên nhân gây bệnh?

Bệnh Galactosemia là một bệnh rối loạn chuyển hóa di truyền, hiếm gặp, ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa galactose của cơ thể (một loại đường có trong sữa, kể cả sữa mẹ) thành glucose (một loại đường khác). Galactosemia là bệnh di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể thường. Khi bị bệnh, cơ thể sẽ không có khả năng chuyển hóa được galactose dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Chẩn đoán và điều trị sớm bằng chế độ ăn hạn chế lactose (sữa không có đường lactose) là hoàn toàn cần thiết để tránh thiểu năng trí tuệ, suy gan và tử vong trong thời kỳ sơ sinh. Galactosemia thể cổ điển và các thể khác đều có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe đe dọa tính mạng, trừ khi bắt đầu điều trị ngay sau khi sinh.

Quá trình chuyển hóa galactose thành glucose gồm 3 bước:

Bước 1: Enzym galactokinase (GALK) xúc tác gắn phosphat vào galactose, chuyển hóa galactose thành galactose-1-phosphate. Quá trình này sử dụng ATP.

Bước 2: Enzym galactose-1-phosphate uridyl transferase (GALT) xúc tác phản ứng giữa galactose-1-phosphate và uridyl diphosphoglucose (UDPG) thành Glucose-1-phosphate và UDP-Gal.

Bước 3: UDP-galactose-4-epimerase (GALE) đồng phân hóa UDP-Galactose thành UDP-glucose.

Có 3 thể bệnh Galactosemia khác nhau: Bệnh Galactosemia thể cổ điển hay còn gọi là typ I (thiếu enzym GALT), là loại phổ biến và nghiêm trọng nhất. Bệnh Galactosemia typ II (thiếu enzyme galactokinase- GALK) và typ III (thiếu enzyme UDP -galactose-4-epimerase hay GALE) thường chiếm tỷ lệ thấp và gây ra các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng khác nhau. Trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh Galactosemia khoảng 1/50.000 trẻ sơ sinh. Bệnh Galactosemia thể cổ điển xuất hiện ở khoảng 1/30.000 – 1/60.000 trẻ sơ sinh sống. Các thể khác hiếm gặp hơn, khoảng 1/100.000 trẻ sơ sinh sống. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ trai và trẻ gái là như nhau.

Trẻ bị galactosemia có các biểu hiện thế nào?

Thiếu GALT (thể cổ điển) thường biểu hiện như một căn bệnh đe dọa tính mạng trong vòng hai tuần đầu sau khi sinh. Trẻ bú kém, tăng cân kém, nôn mửa và tiêu chảy, hôn mê, giảm trương lực cơ là những triệu chứng ban đầu. Khi khám lâm sàng, trẻ vàng da, gan to, thóp phồng và chảy máu kéo dài sau khi lấy máu tĩnh mạch hoặc động mạch. Đục thủy tinh thể thường xuất hiện. Các xét nghiệm cho thấy rối loạn chức năng gan, ống thận và các bất thường về huyết học là phổ biến. Có thể xảy ra thiếu máu tan máu và nhiễm trùng huyết. Các biến chứng lâu dài bao gồm chậm phát triển tinh thần vận động và các biến chứng thần kinh muộn. Suy buồng trứng thường gặp ở phụ nữ và không thể hồi phục. Bệnh galactosemia typ II (thiếu hụt galactokinase) và typ III (thiếu hụt UDP-galactose-4-epimerase) gây ra các kiểu dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Galactosemia typ II gây ra ít vấn đề sức khỏe hơn thể cổ điển, trẻ sơ sinh bị bệnh sẽ phát triển đục thủy tinh thể nhưng ít có biến chứng khác. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh galactosemia typ III khác nhau từ nhẹ đến nặng; có thể bao gồm đục thủy tinh thể, chậm tăng trưởng và phát triển, bất thường trí tuệ, bệnh gan và các vấn đề về thận.

Xét nghiệm sàng lọc Galactosemia được thực hiện khi nào? Lợi ích của sàng lọc bệnh galactosemia

Xét nghiệm sàng lọc Galactosemia là một trong các xét nghiệm sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện sớm bệnh Galactosemia ngay từ những ngày đầu tiên bé chào đời. Xét nghiệm sàng lọc Galactosemia được thực hiện bằng cách lấy máu gót chân của bé vào giấy thấm chuyên dụng sau khi em bé từ 24 – 72h giờ sau sinh. Sàng lọc galactosemia bao gồm xét nghiệm đo tổng lượng galactose (galactose và galactose-1-phosphate) và đo hoạt độ của enzym GALT trong mẫu máu thấm khô. Khi tổng lượng galactose tăng và / hoặc hoạt tính GALT giảm cần thực hiện các xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán. Việc sàng lọc và phát hiện sớm giúp trẻ được điều trị ngay từ những ngày đầu sau sinh. Việc phát hiện kịp thời có thể hạn chế các biến chứng bằng cách xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống hợp lý như hạn chế tất cả các loại thức ăn có chứa đường lactose/ galactose.

Bệnh viện Nhi Trung ương triển khai xét nghiệm sàng lọc Galactosemia bằng việc đo hoạt độ enzym GALT trong mẫu máu khô. Khi kết quả sàng lọc ở trẻ sơ sinh có hoạt độ GALT thấp hơn giá trị bình thường thì trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh Galactosemia. Lúc này, trẻ sẽ được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và làm thêm một số xét nghiệm giúp ích cho chẩn đoán

Trung tâm sàng lọc Sơ sinh tiếp nhận mẫu sàng lọc tất cả các ngày trong tuần và trả kết quả trong vòng 7 ngày sau khi nhận mẫu. Xét nghiệm sàng lọc có kết quả dương tính sẽ được gọi điện tới bác sĩ/gia đình trẻ ngay khi có kết quả để gia đình có thể sớm đưa trẻ đến khám tư vấn và chẩn đoán xác định.

Bệnh viện Nhi Trung ương cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh 24/7 (kể cả ngày lễ và Thứ 7, Chủ nhật). Bất cứ khi nào trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ, bố mẹ hoặc người giám hộ có thể đưa trẻ đến khám và tư vấn tại các đơn vị sau:

  • Khoa khám bệnh Chuyên khoa: Phòng Phòng D128 – D130 – Chuyên khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền và Liệu pháp phân tử – Tầng 1, nhà A – 024 62737709
  • Trung tâm Quốc tế – Tầng 1 nhà 8 tầng.
  • Khoa Khám bệnh và Cấp cứu Sơ sinh – Trung tâm Sơ sinh (với trẻ < 30 ngày tuổi).
  • Khoa Cấp cứu và Chống độc (khám cấp cứu khi trẻ có dấu hiệu bệnh nặng).

Lê Kim Dung

Khoa Hóa sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương

Kết Nối

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Bài Viết Phổ Biến

    Danh Mục