Bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh là một chủ đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm, đặc biệt là khi dưỡng chất này ngày càng nhận được nhiều lời khen “có cánh” trong việc hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ. Trong bài viết sau, hãy cùng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome tìm hiểu xem lợi ích thực sự của DHA là gì, bố mẹ có nên bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh hay không cũng như thời điểm bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh khi nào là an toàn và hiệu quả.
DHA, hay axit docosahexaenoic, là một loại axit béo không bão hòa đa thuộc nhóm omega-3. DHA có mặt nhiều trong thủy hải sản, đặc biệt là các loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích,…), rong và tảo biển.
Có nên bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh không?
Mẹ bầu NÊN bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh vì 4 nguyên nhân sau:
- DHA hỗ trợ sự phát triển não bộ;
- DHA cải thiện chức năng thị giác;
- Thiếu hụt DHA gây bất lợi cho sự phát triển trí não;
- Cơ thể con người không thể tổng hợp đủ DHA nội sinh.
Cụ thể như sau:
1. DHA hỗ trợ sự phát triển não bộ
Nghiên cứu cho thấy, DHA là một thành phần cấu trúc chính của não, chiếm đến 90% tổng lượng axit béo omega-3 và 20% tổng lượng chất béo chứa trong não.
Trong não bộ, DHA có thể điều chỉnh các con đường dẫn truyền tín hiệu thần kinh; tham gia hình thành thần kinh (myelin hóa); cải thiện độ dẻo của khớp thần kinh; kháng viêm thần kinh; tăng cường chức năng thụ thể, tính toàn vẹn và tổ chức của màng tế bào thần kinh.
Nhờ đó, việc tiêu thụ DHA có thể dẫn đến nhiều tác động tích cực đến sinh lý và hành vi, bao gồm cả những tác động lên nhận thức.
DHA có xu hướng tích tụ ở não trong thời kỳ mang thai và trong những năm đầu đời – khi não bộ tăng trưởng não đột biến.
Trong thời gian này, nguồn DHA duy nhất mà trẻ nhận thêm được sau sinh là thông qua sữa mẹ, và nồng độ DHA trong sữa mẹ có thể khác nhau, tùy thuộc vào lượng DHA dự trữ và chế độ ăn uống của mẹ.
Tuy nhiên, không phải lúc nào sữa mẹ cũng cung cấp đủ lượng DHA cần thiết cho bé. Vì thế, việc bổ sung DHA thông qua sữa công thức hoặc thực phẩm chức năng (viên dầu cá chứa DHA) là điều cần thiết.
2. DHA cải thiện chức năng thị giác
DHA là một phần quan trọng của màng tế bào thụ cảm ánh sáng (photoreceptor) trong võng mạc, nơi chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu thần kinh mà não có thể hiểu được.
DHA giúp tăng cường tính linh hoạt và chức năng của màng tế bào photoreceptor, làm cho quá trình chuyển đổi ánh sáng hiệu quả hơn, từ đó tăng cường chức năng thị lực.
Mặt khác, DHA cũng có tác dụng chống viêm mạnh mẽ, giúp giảm viêm trong mắt, bảo vệ mắt khỏi các bệnh lý có thể làm suy giảm thị giác, điển hình như bệnh viêm võng mạc.
3. Thiếu hụt DHA gây bất lợi cho sự phát triển trí não
Nhiều bằng chứng lý thuyết, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu dịch tễ học ở người đã chứng minh một cách thuyết phục rằng sự thiếu hụt DHA có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển nhận thức thần kinh của trẻ.
Cụ thể, thiếu hụt DHA trong thời thơ ấu có thể làm suy giảm khả năng học hỏi, tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, dễ bốc đồng, hung hãn và một số rối loạn tâm lý khác khi trẻ trưởng thành.
Vì thế, bổ sung DHA có thể giúp tối ưu hóa sự phát triển não bộ của trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn sơ sinh, khi não bộ phát triển nhanh chóng.
4. Cơ thể con người không thể tổng hợp đủ DHA
Tuy cơ thể có thể tự tổng hợp DHA nội sinh từ các tiền chất chuỗi ngắn hơn của chúng, điển như ALA (axit alpha-linolenic), nhưng trong hầu hết trường hợp, lượng DHA mà cơ thể tổng hợp nội sinh không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng DHA của bé.
Vì thế, việc bổ sung DHA từ những nguồn bên ngoài (như sữa mẹ, sữa công thức, thực phẩm bổ sung,…) cho trẻ sơ sinh là điều cần thiết.
Tóm lại, DHA là một axit béo thiết yếu, không thể thiếu đối với sức khỏe con người. Việc bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh đã được khuyến khích bởi nhiều tổ chức y tế do vai trò quan trọng của DHA trong việc hỗ trợ phát triển não bộ và thị giác ở trẻ.
Trẻ sơ sinh cần bao nhiêu DHA mỗi ngày?
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Việt Nam), trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi cần được bổ sung DHA theo hàm lượng sau:
Độ tuổi | Hàm lượng khuyến nghị |
Trẻ 0 – 6 tháng | Khoảng 55 mg DHA / ngày
(hoặc 0.1 – 0.18% tổng calo / ngày) |
Trẻ 6 – 12 tháng | Khoảng 57 – 144mg DHA / ngày
(hoặc 10 – 12 mg / kg cân nặng / ngày) |
Các yếu tố ảnh hưởng đến liều bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh
Nhìn chung, liều lượng bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh có thể được bác sĩ tư vấn điều chỉnh tăng thêm hoặc giảm đi tùy thuộc vào:
- Tuổi tác và cân nặng: Nhu cầu bổ sung DHA có xu hướng tăng dần theo độ tuổi và cân nặng. Ví dụ, trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi được Viện Dinh dưỡng Quốc Gia khuyến cáo bổ sung 10 – 12 mg / kg cân nặng / ngày.
- Bú mẹ hay bú sữa công thức:
- Ở trẻ bú mẹ: Sữa mẹ có chứa một hàm lượng DHA vừa đủ để trẻ sơ sinh tiêu thụ trong ít nhất 12 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, hàm lượng này có thể bị hao hụt đến 63% do chế độ ăn thiếu cân đối của mẹ. Do đó, phụ nữ cho con bú cần chú ý bổ sung đầy đủ DHA (ít nhất 200 mg / ngày) để duy trì hàm lượng DHA tối ưu cho bé;
- Ở trẻ bú sữa công thức: Nhiều loại sữa công thức hiện nay đã được bổ sung DHA. Do đó, mẹ cần kiểm tra nhãn sản phẩm để xác định mức DHA và lượng sữa cần thiết mà bé cần tiêu thụ.
- Sinh non: Trẻ sinh non thường có nhu cầu DHA cao hơn so với trẻ sinh đủ tháng do chúng đã bỏ lỡ thời gian tích lũy DHA quan trọng trong ba tháng cuối của thai kỳ. Lúc này, bác sĩ có thể khuyến nghị liều lượng DHA cao hơn cho trẻ sinh non để hỗ trợ sự phát triển của não và mắt;
- Vấn đề sức khỏe khác: Trẻ sơ sinh có các vấn đề sức khỏe đặc biệt cần được điều chỉnh liều lượng DHA để hỗ trợ sự phát triển và sức khỏe tổng thể.
Lưu ý:
Trong sữa mẹ đã tồn tại sẵn một lượng DHA đủ cho trẻ sơ sinh tiêu thụ. Tuy nhiên, vì bất kỳ nguyên nhân nào mà sữa mẹ không chứa đủ lượng DHA cần thiết, trẻ có thể cần bổ sung DHA từ những nguồn thực phẩm bên ngoài (thịt, cá, trứng,….) khi bước vào độ tuổi ăn dặm.
Bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh khi nào?
Bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh là một quyết định quan trọng để hỗ trợ sự phát triển tối ưu của não và thị giác. Dưới đây là thông tin về thời điểm bổ sung, các dấu hiệu thiếu DHA và nhóm trẻ sơ sinh dễ bị thiếu hụt DHA mà mẹ cần biết:
1. Khi nào nên bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh?
- Ngay sau sinh: Một số chuyên gia khuyến nghị bắt đầu bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh ngay từ những tuần đầu tiên sau sinh, đặc biệt nếu trẻ không được bú sữa mẹ hoặc sữa mẹ không đủ hàm lượng DHA;
- Trẻ sinh non: Trẻ sinh non cần được bổ sung DHA sớm do họ không có đủ thời gian trong tử cung để tích lũy DHA;
- Khi trẻ có dấu hiệu thiếu DHA: Dựa trên sự đánh giá của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
2. Các dấu hiệu, biểu hiện bé sơ sinh bị thiếu DHA
Dấu hiệu thiếu DHA thường không xuất hiện rõ ràng ở trẻ sơ sinh, nhưng một số vấn đề sau đây có thể là dấu hiệu cảnh báo:
- Chậm phát triển thần kinh: Trẻ có thể chậm phát triển kỹ năng vận động hoặc nhận thức so với các cột mốc phát triển thông thường của trẻ sơ sinh;
- Vấn đề về thị giác: Chậm phát triển kỹ năng thị giác, trẻ không có dấu hiệu bị thu hút bởi những vật chuyển động và thường không dõi theo chúng bằng mắt;
- Các vấn đề về hành vi: Khó khăn trong việc tập trung hoặc dễ dàng khóc ré lên, kích động mất kiểm soát mà không có nguyên nhân chính đáng.
Lưu ý:
- Nếu nhận thấy trẻ có dấu hiệu bị thiếu hụt DHA, bố mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán xem có bị thiếu hụt DHA hay không;
- Khi quyết định bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh, điều quan trọng nhất là cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chính xác liều dùng và cách bổ sung, đảm bảo rằng trẻ nhận được liều lượng DHA phù hợp và an toàn.
Bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh trong bao lâu?
Mặc dù không có quy định cứng nhắc về thời gian bổ sung DHA, nhưng nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị bố mẹ cần bổ sung đầy đủ DHA cho trẻ trong ít nhất là 3 năm đầu đời và tối ưu nhất là đến hết giai đoạn 15 tuổi hoặc càng lâu càng tốt.
Nguyên nhân là vì trong vòng 3 năm đầu đời, não bộ của trẻ đạt tốc độ phát triển mạnh mẽ nhất cả về nhận thức, tư duy ngôn ngữ và sự nhạy bén của các giác quan. Từ năm thứ 3 trở đi, sự hình thành các synapse thần kinh trong não bắt đầu giảm tốc mạnh và gần như dừng hẳn khi trẻ bước vào độ tuổi 15.
Synapse là điểm kết nối giữa hai tế bào thần kinh, cho phép tín hiệu thần kinh được truyền từ tế bào này sang tế bào khác, liên quan đến khả năng học tập và ghi nhớ.
Tóm lại, trong điều kiện tối thiểu, bố mẹ cần đảm bảo trẻ được cung cấp đầy đủ DHA cho đến hết 3 năm đầu đời. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần biết rằng, DHA không chỉ là một axit béo tốt cho não, mà còn có lợi cho sức khỏe tim mạch và thị giác. Do đó, nếu điều kiện cho phép, trẻ nên được bổ sung đầy đủ DHA càng lâu càng tốt.
Nên bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh vào thời điểm nào trong ngày?
Thời điểm thích hợp để bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh trong ngày là:
- Với trẻ đang bú mẹ: Vì DHA đã tồn tại sẵn trong sữa mẹ, nên mẹ chỉ cần cho trẻ bú đúng cữ là đã có thể bổ sung DHA đúng lúc;
- Với trẻ vừa bú mẹ vừa ăn dặm: Vì DHA là một loại axit béo có thể hòa tan cùng chất béo tự nhiên chứa trong bữa ăn, nên mẹ cần cân nhắc bổ sung các thực phẩm giàu DHA vào ngay trong bữa ăn để cơ thể bé dễ dàng hấp thụ.
Bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh quá nhiều có nguy hiểm không?
Bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh quá mức CÓ THỂ GÂY NGUY HIỂM. Cụ thể, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị, lượng tiêu thụ DHA + EPA kết hợp mỗi ngày không nên vượt quá 3g từ thực phẩm và không quá 2g từ các chất bổ sung.
Bổ sung quá nhiều DHA có thể làm giảm khả năng kết tập tiểu cầu, khiến máu khó đông và gây chảy máu quá mức. Mặt khác, bổ sung DHA với liều lượng cao có thể dẫn đến các tác dụng phụ như khó tiêu, đầy hơi và dẫn đến chán ăn.
Tóm lại, việc bổ sung DHA là quan trọng và có lợi cho sự phát triển của trẻ sơ sinh, nhưng cần được thực hiện một cách cân nhắc dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế để tránh nguy cơ tiềm ẩn từ việc bổ sung quá mức.
Cách bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh đúng cách và an toàn
Để bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh đúng cách và an toàn, bạn có thể cân nhắc kết hợp các cách sau:
1. Nuôi con bằng sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn DHA tối ưu cho trẻ sơ sinh. Nguyên nhân là vì:
- Hàm lượng vừa đủ DHA: Sữa mẹ tự nhiên có chứa 16mg DHA / 100ml sữa. Đây là một hàm lượng vừa đủ để trẻ sơ sinh tiêu thụ trong ít nhất 12 tháng đầu tiên của cuộc đời;
- Dễ dàng điều chỉnh: Thành phần của sữa mẹ, bao gồm DHA, có thể thay đổi một cách tự nhiên theo nhu cầu phát triển của trẻ sơ sinh. Điều này giúp đảm bảo rằng trẻ luôn nhận được lượng dinh dưỡng và DHA tối ưu cho sự phát triển của mình;
- Dễ hấp thụ: DHA từ sữa mẹ có thể dễ dạng được hấp thụ và sử dụng bởi cơ thể trẻ sơ sinh hơn so với các nguồn DHA từ thực phẩm tự nhiên. Điều này giúp đảm bảo rằng trẻ nhận được lượng DHA cần thiết cho sự phát triển não bộ và thị giác.
Lưu ý:
Để đảm bảo sữa mẹ có hàm lượng DHA đủ cao, phụ nữ cho con bú nên chú ý đến chế độ ăn và cân nhắc bổ sung DHA dựa trên lời khuyên của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
2. Bú sữa công thức tăng cường DHA
Bú sữa công thức giàu DHA là cách bổ sung DHA an toàn cho trẻ sơ sinh không thể bú sữa mẹ vì sữa công thức thường được thiết kế dựa trên nhiều nghiên cứu khoa học và tiêu chuẩn dinh dưỡng chặt chẽ. Điều này giúp đảm bảo trẻ nhận đủ lượng DHA cần thiết mà không lo ngại về việc tiêu thụ quá mức hoặc thiếu hụt.
3. Bổ sung DHA dạng nhỏ giọt cho trẻ sơ sinh
Bổ sung DHA dạng nhỏ giọt là phương pháp an toàn và hiệu quả để đảm bảo trẻ sơ sinh nhận đủ lượng DHA cần thiết cho sự phát triển của não và thị giác. Bởi lẽ, dạng nhỏ giọt cho phép việc điều chỉnh liều lượng một cách chính xác, đồng thời dễ dàng hòa vào thức ăn hoặc sữa, giúp trẻ dễ tiêu thụ hơn. Việc này đặc biệt quan trọng đối với những trẻ không thể bú mẹ hoặc cần bổ sung thêm DHA ngoài sữa mẹ
4. Dùng sản phẩm bổ sung DHA cho bé
Dùng sản phẩm bổ sung DHA cho bé là biện pháp có thể được cân nhắc khi chế độ ăn và sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu DHA hàng ngày của trẻ. Khi chọn lựa và bổ sung DHA bằng đường uống cho trẻ sơ sinh, việc lưu ý đến các tiêu chí sau là rất quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả:
- Độ tinh khiết: Chọn sản phẩm DHA có độ tinh khiết cao, không chứa tạp chất hoặc chất độc hại như thủy ngân, chì, PCBs,… Điều này đặc biệt quan trọng khi nguồn DHA đến từ dầu của các loại cá được đánh bắt ở vùng biển sâu;
- Bảo quản đúng cách: Đảm bảo sản phẩm được bảo quản đúng cách để giữ cho DHA không bị oxy hóa, mất hiệu quả. Ưu tiên chọn sản phẩm trong bao bì kín, tránh ánh sáng mặt trời và nhiệt độ cao;
- Thử nghiệm của bên thứ ba: Tìm kiếm sản phẩm đã được thử nghiệm và chứng nhận bởi các tổ chức độc lập về chất lượng và an toàn. Điều này giúp đảm bảo rằng sản phẩm bạn chọn là đáng tin cậy;
- Bổ sung đúng liều lượng: Tuân thủ liều lượng khuyến nghị bởi bác sĩ để đảm bảo trẻ nhận được lượng DHA phù hợp, tránh tác dụng phụ không mong muốn;
- Dạng sản phẩm: Ưu tiên chọn dạng sản phẩm phù hợp với trẻ sơ sinh, như dạng nhỏ giọt, để dễ dàng bổ sung vào chế độ ăn của trẻ mà không gây khó chịu hoặc từ chối.
Một số sản phẩm bổ sung DHA đường uống cho trẻ sơ sinh mà mẹ có thể tham khảo bao gồm:
- DHA Nature’s Way Kids Smart Drop;
- Baby’s DHA Nordic Naturals;
- DHA Healthy Care Kid’s High;
- Avisure DHA Smart Kid;
- Baby Drops VitaDHA;
- DeKaBON DHA cho trẻ sơ sinh từ 0-6 tháng tuổi;
- DHA Drops Natures Aid.
Tóm lại, bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh là điều cần thiết để hỗ trợ sự phát triển của não và thị giác. Tuy nhiên, quyết định bổ sung cần dựa trên lời khuyên của bác sĩ, chất lượng nguồn sữa mẹ và tình trạng sức khỏe của mỗi bé.
Nếu mẹ vẫn còn băn khoăn chưa biết chất lượng nguồn sữa của bản thân có đáp ứng đủ nhu cầu DHA của bé hay không, cũng như cách xây dựng một chế độ ăn dặm giàu DHA sao cho đúng, hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome thông qua số hotline 1900 633 599 để được tư vấn chi tiết.
Trên đây là những thông tin quan trọng xoay quanh chủ đề bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh. Hy vọng sau bài viết, bạn đã hiểu rõ trẻ sơ sinh có cần bổ sung DHA không, bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh khi nào thì tốt, giúp bé yêu phát triển toàn diện.