16 cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh trong giai đoạn 0-1 tuổi

-

Hiểu được các mốc phát triển của trẻ sơ sinh là điều kiện tiên quyết giúp bố mẹ biết được con mình đang ở đâu trên hành trình tăng trưởng; từ đó, lựa chọn được cách nuôi dưỡng phù hợp với thể trạng của bé theo từng thời kỳ. Vậy, các mốc phát triển quan trọng của trẻ sơ sinh là gì? Đâu là danh sách các cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh theo tháng tuổi mà bố mẹ cần quan tâm? Hãy cùng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome tìm hiểu ngay trong bài viết sau.

 

các mốc phát triển của trẻ sơ sinh

Các cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh từ 0 – 12 tháng tuổi nào quan trọng cần quan tâm

Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh về thể chất và nhận thức

Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh là những kỹ năng, hành động hoặc thành tựu quan trọng mà trẻ đạt được trong quá trình phát triển. Dưới đây là 16 cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh về thể chất và nhận thức quan trọng mà bố mẹ cần đặc biệt lưu tâm, bao gồm:

1. Ngẩng đầu: Cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh đầu tiên

Biết ngẩng cao đầu là một cột mốc cực kỳ quan trọng đối với trẻ sơ sinh bởi kiểm soát tốt đầu và cổ là điều kiện tiên quyết để trẻ chạm đến các cột mốc quan trọng khác, chẳng hạn như chinh phục khả năng ngồi hoặc sau đó là kỹ năng đi lại bằng hai chân. Học cách ngẩng cao đầu là một quá trình có thể kéo dài liên tục cho đến khi bé được 6 tháng tuổi, cụ thể:

  • Từ 0 – 1 tháng tuổi: Trong tháng này, bạn cần phải đỡ cổ và đầu của bé khi bế bởi cơ cổ còn khá yếu. Vào cuối tháng đầu tiên, bé có thể nhấc đầu lên trong thời gian ngắn và xoay đầu từ bên này sang bên kia trong khi nằm sấp.
  • Từ 1 – 2 tháng tuổi: Nếu bé đặc biệt khỏe mạnh, bé có thể ngẩng đầu lên khi nằm ngửa.
  • Từ 2 – 3 tháng tuổi: Bé kiểm soát đầu tốt hơn, có thể nâng đầu lên 45 độ khi nằm sấp và giữ đầu ổn định bao lâu tùy thích.
  • Từ 3 – 4 tháng tuổi: Trẻ có thể dùng cánh tay đẩy để nâng đầu và ngực lên khỏi mặt đất trong khi nằm sấp. Không những thế, vào cuối tháng thứ 4, bé có thể sẽ giữ đầu ổn định mà không bị gục mặt khi được đặt ở tư thế ngồi.
  • Từ 5 – 6 tháng tuổi: Bé có thể giữ đầu và cổ cố định khi nằm. Nếu được đặt vào tư thế ngồi, bé thường có xu hướng đưa đầu về phía trước do phần đầu vẫn còn khá nặng với bé. Tốt nhất, bố mẹ nên chờ đến khi trẻ có thể tự ngẩng cao đầu trong tư thế ngồi mà không cần sự hỗ trợ thì mới nên mua xe đẩy hoặc mua địu cho bé.
Ngẩng đầu: Cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh đầu tiên

Trong các mốc quan trọng của trẻ sơ sinh, ngẩng cao đầu là cột mốc mà bố mẹ có thể dễ dàng nhận biết nhất

2. Bắt đầu mỉm cười với mọi người

Bé thường bắt đầu mỉm cười với mọi người khi bước sang tuần thứ 6 sau sinh. Tuy nhiên, mỗi em bé đều có tốc độ phát khác nhau. Vì thế, bố mẹ đừng quá lo lắng nếu chưa thấy con mình có dấu hiệu biết cười ở tuần thứ 6. Mặt khác, trẻ sơ sinh có thể học nhanh bằng cách bắt chước. Do đó, nếu bố mẹ dành thời gian tương tác với trẻ càng nhiều, trẻ sẽ càng học hỏi nhanh hơn và chẳng bao lâu nữa, bố mẹ sẽ thấy nụ cười đầu tiên của bé.

3. Phát ra âm thanh ngoài tiếng khóc: Cột mốc ngôn ngữ, giao tiếp quan trọng

Trước khi thực sự biết nói và hiểu những gì mình đang nói, trẻ thường học cách tạo ra âm thanh bằng việc phối hợp sử dụng thanh quản, lưỡi, môi, vòm miệng. Theo đó:

  • Từ 1 – 2 tháng tuổi: Sau vài tuần đầu đời chỉ biết khóc, trẻ dần có thể tạo nên những âm thanh thủ thỉ “ahh” một cách ngẫu nhiên và vô thức.
  • Từ 3 – 4 tháng tuổi: Trẻ có thể bập bẹ các nguyên âm như “ahh”, “ehh”, “ohhh” một cách có chủ ý với tần suất nhiều hơn. Đây được xem là một cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh khá quan trọng, giúp bé thể hiện niềm vui, sự mãn nguyện hoặc để thu hút sự chú ý của bố mẹ.
  • Từ 6 tháng tuổi: Trẻ có thể phát ra những âm thanh có cả phụ âm, chẳng hạn như “bababa”, “dadada” và “mamama”. Tuy nhiên, hành vi này chưa được coi là giao tiếp thực sự vì bé vẫn chưa hiểu nghĩa của những từ này.
  • Từ 12 – 24 tháng tuổi: Bé sẽ nói được một vài từ quan trọng như “ba”, “mẹ” và hiểu được ý nghĩa của chúng. Lúc này, vốn từ vựng của bé sẽ liên tục được hoàn thiện cho đến khi đạt 2 tuổi. Trong giai đoạn này, trẻ càng được tương tác nhiều với bố mẹ thì chúng càng hoàn thiện các kỹ năng giao tiếp nhanh hơn.

4. Khả năng cầm nắm

Trẻ sơ sinh được sinh ra với phản xạ tự động cầm nắm một cách tự nhiên, nhưng bé cần có thêm thời gian để có thể phối hợp cơ bắp cầm nắm đồ vật một cách có ý thức. Theo đó:

  • Từ 0 – 2 tháng tuổi: Bàn tay của bé luôn ở trạng thái co lại thành nắm đấm. Trẻ hay nắm tay lại một cách vô thức khi có bất kỳ vật gì chạm vào lòng bàn tay của mình.
  • Từ 3 tháng tuổi: Bé vẫn chưa thể lấy chính xác những gì mình muốn nhưng bé có thể chạm hay đập vào món đồ đó nhiều lần. Ở độ tuổi này, bé đang phát triển khả năng phối hợp giữa tay và mắt để nhận biết và với lấy những thứ mà chúng muốn cầm nắm.
  • Từ 4 – 5 tháng tuổi: Bé có thể nắm và lắc một món đồ chơi nếu bố mẹ đặt nó vào tay bé.
  • Từ 6 – 8 tháng tuổi: Bé có thể với lấy bất kỳ loại đồ chơi nào mà bé muốn. Chúng cũng thường xuyên nhặt đồ vật để có thể cho vào miệng hoặc chuyền đồ từ tay này sang tay kia.
  • Từ 9 – 12 tháng tuổi: Bây giờ bé có thể nhặt đồ vật một cách dễ dàng. Đặc biệt, bé có thể dùng ngón cái và ngón trỏ để nhặt những đồ vật nhỏ hoặc đưa thức ăn bằng ngón tay vào miệng.
mốc phát triển của trẻ sơ sinh, khả năng cầm nắm

Trẻ sơ sinh vốn đã có phản xạ nắm chặt lòng bàn tay ngay từ khi sinh ra

5. Trẻ biết lật người: Cột mốc quan trọng của bé

Lật người là một cột mốc thú vị bởi đây là dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ bé đã thực sự có thể di chuyển được. Thông thường, trẻ sơ sinh có thể lật người từ nằm sấp sang nằm ngửa khi bé đạt từ 3 đến 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, để có thể lật người ngược lại (từ nằm ngửa chuyển sang nằm sấp) thì trẻ cần phải đợi đến giai đoạn 5 – 6 tháng tuổi mới có thể thực hiện được.

6. Bé ăn được thức ăn đặc

Bé yêu nhà bạn có thể ăn được thức ăn đặc khi bé đạt khoảng 6 tháng tuổi. Dưới đây là một vài dấu hiệu chứng tỏ bé đã sẵn sàng để được ăn dặm, đó là:

  • Bé có thể giữ giữ đầu thẳng lên một cách chắc chắn trong tư thế ngồi;
  • Bé hay nhìn tò mò vào đồ ăn của bố mẹ;
  • Trẻ có thể tự cầm thức ăn bằng tay và cho vào miệng;
  • Khi mẹ thử đưa thức ăn khác sữa mẹ, trẻ sẵn sàng nuốt ngay thay vì đẩy thức ăn ra khỏi miệng .

Lưu ý:

  • Nếu bố mẹ nhận thấy những dấu hiệu trên trước khi bé được 6 tháng tuổi: Hãy nói chuyện với bác sĩ dinh dưỡng trước khi cho trẻ ăn dặm bởi hệ thống tiêu hóa của bé có thể chưa đủ trưởng thành để tiêu hóa thức ăn đặc .
  • Nếu bé đã được 6 tháng tuổi mà bạn vẫn chưa nhận thấy những dấu hiệu trên: Hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa càng sớm càng tốt bởi ở giai đoạn 6 tháng tuổi, bé cần nhiều chất dinh dưỡng hơn những gì bé có thể nhận được từ sữa mẹ hoặc sữa công thức.

7. Bé biết ngồi: Cột mốc phát triển của trẻ 6 tháng tuổi

Hầu hết trẻ sơ sinh bắt đầu học cách ngồi dậy vào khoảng thời gian từ 6 – 9 tháng tuổi. Giống như bất kỳ kỹ năng nào khác, việc ngồi cũng cần phải luyện tập. Trong những ngày đầu, bé sẽ cần dựa vào cánh tay của bạn để giữ thăng bằng. Khi bé ngồi, bố mẹ nên đảm bảo xung quanh bé có nhiều gối mềm phòng trường hợp bé bị ngã. Đến lúc cơ bắp của bé khỏe hơn, bé sẽ có thể tự ngồi dậy mà không cần điểm tựa.

Bố mẹ có thể khuyến khích bé phát triển kỹ năng ngồi bằng cách cho bé nằm sấp càng nhiều càng tốt. Trong thời gian nằm sấp trong nôi, bố mẹ hãy cố gắng khiến bé nhìn lên bằng cách treo đồ chơi nhiều màu sắc, phát ra những âm thanh vui tai. Trí tò mò sẽ giúp bé phát triển cơ cổ, lưng, vai để giúp bé kiểm soát đầu và kích thích trẻ biết ngồi sớm hơn.

Bé biết ngồi: Cột mốc phát triển của trẻ 6 tháng tuổi

Ngồi là một trong các mốc phát triển trẻ sơ sinh quan trọng mà bố mẹ nên đích thân tập luyện cho bé

8. Bé biết trườn – bò

Biết trườn – bò là cột mốc vĩ đại tiếp theo của bé sau khi biết ngồi, đưa bé gần hơn đến cột mốc biết đi bằng hai chân như người trưởng thành. Hầu hết các bé đều có thể bò trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 tháng tuổi nhưng một số trẻ có thể bỏ qua giai đoạn bò và chọn một phương thức khác để di chuyển, chẳng hạn như trườn sấp (tư thế trườn kiểu người lính) hoặc nằm lăn khắp phòng. Một số trẻ khác có thể “đốt cháy” giai đoạn, không cần bò hay trườn mà chỉ cần ngồi vịn thành tủ / bàn / ghế là đã có thể đứng hẳn lên được.

9. Trẻ mọc răng

Hầu hết trẻ sơ sinh đều mọc chiếc răng đầu tiên khi được khoảng 6 tháng tuổi nhưng bé yêu của bạn có thể mọc chiếc răng đầu tiên vào bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ 3 – 12 tháng tuổi. Thông thường, chiếc răng đầu tiên thường mọc ở phía trước của hàm dưới.

Trong quá trình mọc răng, nhiều bé sẽ dễ cảm thấy khó chịu nên hay quấy khóc, cáu kỉnh vào ban đêm. Nếu bé khóc quá nhiều, bạn có thể làm dịu bé bằng cách xoa bóp nướu nhẹ nhàng bằng ngón tay quấn vải ẩm hoặc cho bé ngậm đồ chơi cắn răng (vòng ngậm nướu) ướp lạnh. Nếu bé từ 6 tháng tuổi trở lên, mẹ có thể thử cho bé ăn cà rốt hoặc dưa chuột đã gọt vỏ để trong tủ lạnh để xoa dịu cơn đau nướu.

các cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh, bé mọc răng

Trong giai đoạn mọc răng, mẹ nên dùng vải ẩm để ngăn mát tủ lạnh quấn vào đầu ngón tay và massage nhẹ nhàng lên vùng nướu của trẻ

10. Trẻ biết đứng

Hầu hết trẻ sơ sinh đều có thể tự đứng lên trong khoảng từ 8 tháng đến 10 tháng tuổi. Ở giai đoạn này, trẻ cần được bám vào bất kỳ điểm tựa nào như tường, bàn, ghế,…để có thể đứng vững. Đến khi đạt 12 tháng tuổi, bé có thể tự đứng vững mà không cần điểm tựa.

Mặc dù bé yêu có thể đứng lên khá dễ dàng, nhưng ngồi xuống lại là một vấn đề khác. Bố mẹ có thể thấy trẻ lúng túng, loay hoay hay thậm chí khóc ré lên vì không thể tìm ra cách ngồi xuống. Trong trường hợp này, bố mẹ cần giúp bé học cách uốn cong đầu gối để ngồi xuống. Sau đó, bố mẹ nên khuyến khích trẻ tự đứng lên và tự ngồi xuống lại để có thể ứng dụng được điều bé vừa học.

11. Bước đi: Cột mốc quan trọng nhất của bé trong năm đầu tiên

Bước đi đầu tiên của con luôn là cột mốc khó quên, để lại nhiều niềm vui khôn xiết trong lòng của bố mẹ. Hầu hết trẻ sơ sinh chập chững những bước đi đầu tiên vào khoảng từ tháng thứ 9 đến tháng thứ 15 và bắt đầu đi tốt trong giai đoạn từ 15 – 18 tháng tuổi. Lúc đầu, bé có thể cần bố mẹ cầm tay hoặc vịn vào đồ nội thất để bước đi. Sau một thời gian, trẻ sẽ dần tự tin hơn và có thể tự đi bộ một mình.

Tuy nhiên, có không ít trường hợp trẻ sơ sinh chậm biết đi hơn dự kiến. Vì thế, bố mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa ngay khi thấy con có các dấu hiệu sau:

  • Trẻ không thể tự đứng dù đã 15 tháng tuổi;
  • Trẻ không biết đi dù đã được 18 tháng tuổi;
  • Trẻ không đi vững khi 2 tuổi.
Bước đi: Cột mốc quan trọng nhất của bé trong năm đầu tiên

Bước đi đầu tiên của con là một khoảnh khắc thiêng liêng chứa đầy niềm hạnh phúc của bố mẹ

12. Phát triển về thính giác

Trẻ sơ sinh sử dụng đôi tai của mình để tiếp nhận một lượng lớn thông tin về thế giới xung quanh. Thính giác cũng cho phép trẻ học ngôn ngữ và kích thích sự phát triển của não bộ. Theo đó:

  • Ngay từ khi sinh ra: Trẻ sơ sinh phản ứng với âm thanh bằng cách giật mình, thay đổi chuyển động, trở nên im lặng hoặc thay đổi nét mặt.
  • Từ 2 – 3 tháng tuổi: Bé dễ dàng nhận ra giọng nói của bố mẹ và sẽ ngừng khóc để lắng nghe bố mẹ nói. Ngoài ra, bé cũng thường phát ra các nguyên âm như “ah”, “ohh” và cũng thích lắng nghe âm thanh của chính mình.
  • Từ 4 – 6 tháng tuổi: Bé bắt đầu tập trung vào việc tìm kiếm nguồn phát ra âm thanh. Bé thích lúc lắc và các đồ chơi phát ra tiếng động. Trẻ cố gắng bắt chước âm thanh và phản ứng nhạy bén với những thay đổi trong giọng nói của phụ huynh. Vì thế, đây là thời điểm tuyệt vời để bố mẹ hát, đọc sách hoặc bật nhạc cho bé nghe.
  • Từ 7 – 12 tháng tuổi: Trẻ sơ sinh thường tạo ra nhiều mẫu âm thanh bập bẹ như “dada”, “baba”, “mama”. Đồng thời, trẻ cũng nhận ra tên của chính mình hoặc giọng nói của ai đó ngay cả khi âm thanh đó không lớn.
  • Đạt 12 tháng tuổi: Bé có thể hiểu và làm theo những mệnh lệnh đơn giản như “vẫy tay chào tạm biệt” và sử dụng những từ đơn lẻ như “mama” và “baba” để gọi bố mẹ. Chúng cũng sẽ có phản ứng nhún nhảy với âm nhạc và hồi đáp khi nghe yêu cầu từ bố mẹ.
các mốc phát triển trẻ sơ sinh, phát triển về thính giác

Trẻ thường rất thích các loại đồ chơi phát ra âm thanh

13. Phát triển về thị giác

Thị giác của trẻ sơ sinh chưa thể phát triển đầy đủ cho đến khi bé được 8 tháng tuổi. Cụ thể:

  • Từ 0 – 1 tháng tuổi: Trẻ sơ sinh thường có thị lực kém và không thể tập trung nhìn xa hơn 25cm. Bé chỉ có thể nhìn rõ mặt người lớn khi bố mẹ kề sát mặt của mình vào mặt của bé.
  • Từ 1 – 2 tháng tuổi: Tầm nhìn của bé có thể mở rộng hơn từ 20 – 35cm. Bé có thể nhìn thấy màu sắc tươi sáng nhưng vẫn còn gặp khó khăn trong việc phân biệt các gam màu gần giống nhau, chẳng hạn như giữa màu cam và màu vàng.
  • Từ 2 – 3 tháng tuổi: Bé bắt đầu theo dõi mọi chuyển động bằng mắt. Thị giác của bé cũng có thể phân biệt màu sắc tốt hơn. Kết quả là bé bắt đầu thể hiện sự ưa thích đối với các thiết kế có hoa văn bắt mắt và chi tiết.
  • Từ 4 tháng tuổi: Thị giác của bé bắt đầu nhận diện được chiều sâu của vật thể. Bé có thể dễ dàng xác định vị trí, kích thước và hình dạng của một vật thể; sau đó, mắt sẽ truyền tín hiệu đến não để bé vươn tay ra lấy vật thể đó.
  • Từ 5 tháng tuổi: Trẻ có thể biết được vật gì đang bị che giấu dù chỉ nhìn vào một góc nhỏ của vật thể đó. Điển hình, trẻ 5 tháng tuổi thường rất thích chơi “ú òa” vì trẻ nhận ra mọi thứ có thể tồn tại ngay cả khi bé không thể nhìn thấy chúng.
  • Đạt 8 tháng tuổi: Độ sắc nét trong tầm nhìn của bé hoàn thiện gần như người trưởng thành. Mặc dù sự chú ý của bé tập trung nhiều hơn vào các đồ vật ở gần, nhưng tầm nhìn của bé đủ nhanh để nhận ra có ai đó vừa đi ngang qua phòng từ xa.
các mốc phát triển quan trọng của trẻ sơ sinh, phát triển về thị giác

Trẻ rất thích các gam màu tươi sáng và bắt mắt khi thị giác dần hoàn thiện

14. Phát triển khả năng nhận thức

Với trẻ sơ sinh, mỗi ngày trôi qua đều là một cơ hội mới để học tập. Vì thế, nhận thức của trẻ sẽ không ngừng được hoàn thiện cho đến khi trẻ trưởng thành. Nhìn chung, trong năm đầu đời, trẻ thưởng sẽ đạt được các cột mốc nhận thức sau:

Từ 0 – 3 tháng tuổi:

Trẻ ở độ tuổi này có thể:

  • Dự đoán và dò tìm chính xác vị trí đầu ti mẹ, vị trí của núm vú hoặc bình sữa;
  • Phát hiện sự khác biệt về cao độ và âm lượng của âm thanh;
  • Nhận biết các đối tượng rõ ràng hơn trong khoảng cách 35cm trở lại;
  • Tập trung vào các đối tượng chuyển động, bao gồm cả khuôn mặt của những người chăm sóc;
  • Nhận biết được tất cả các màu cơ bản trong quang phổ thị giác của con người;
  • Phân biệt các vị, từ ngọt, mặn, đắng, chua;
  • Sử dụng nét mặt để phản hồi với các kích thích từ môi trường.

Từ 4 – 6 tháng tuổi:

Từ 4 – 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh bắt đầu phát triển khả năng nhận thức mạnh mẽ hơn. Ở độ tuổi này, hầu hết các bé đều bắt đầu:

  • Bắt chước nét mặt;
  • Phản ứng với những âm thanh quen thuộc như giọng nói của bố mẹ;
  • Nhận biết và phản ứng trước những khuôn mặt quen thuộc;
  • Hồi đáp lại nét mặt của người khác.

Từ 7 – 9 tháng tuổi:

Từ 7 – 9 tháng tuổi, trẻ sơ sinh bắt đầu:

  • Nhìn lâu hơn vào những thứ phi logic, bất bình thường, chẳng hạn như một vật thể lơ lửng giữa không trung;
  • Tìm ra vật thể có hình dạng khác biệt với các vật thể khác;
  • Phân biệt được các đối tượng có sự sống với các đối tượng vô tri;
  • Nhìn kích thước tương đối của một vật mà xác định vật đó ở xa hay ở gần.

Từ 10 – 12 tháng tuổi:

Khi trẻ sơ sinh trở nên “lão luyện” hơn trong kỹ năng vận động thể chất, bé cũng có thể tự mình khám phá thế giới xung quanh theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như bò, trườn, quan sát, nếm, ngửi hay thậm chí xúc chạm vào đối tượng. Nhờ đó, nhận thức của trẻ cũng phát triển rõ rệt. Cụ thể, khi gần đạt 1 tuổi, hầu hết trẻ sơ sinh đều:

  • Thích xem sách ảnh;
  • Bắt chước cử chỉ và một số hành động của bố mẹ hay các loài động vật quen thuộc;
  • Khám phá đồ vật bằng cách tháo ghép hoặc đập chúng vào nhau;
  • Trả lời hiệu lệnh của bố mẹ bằng cử chỉ và âm thanh;
  • Biết rằng có một vật gì đó có thể tồn tại ngay cả khi chúng bị giấu đi hoặc khi trẻ không nhìn thấy nó.
các mốc quan trọng của trẻ sơ sinh, Phát triển khả năng nhận thức

Trẻ em 12 tháng tuổi thường rất thích chơi những trò lắp ghép

15. Phát triển cảm xúc

Bố mẹ chính là người bạn đầu tiên của con, cho con mọi thứ từ thức ăn, sự thoải mái đến những trải nghiệm học tập và cảm giác gắn kết yêu thương. Vì thế, bé thường rất vui khi được nghe, nhìn, xúc chạm hay tương tác với bố mẹ. Theo đó:

  • Từ 0 – 1 tháng tuổi: Trẻ rất thích được tiếp xúc da kề da, được ôm ấp, nghe giọng nói hay nhìn thấy khuôn mặt của bố mẹ;
  • Từ 2 – 3 tháng tuổi: Ban đầu, bé thường có những nụ cười vô thức. Về sau, bé có thể cười có chủ đích khi biết bố mẹ đang chơi đùa cùng mình. Ở giai đoạn này, bé rất thích chơi các trò chơi trực diện với bố mẹ, chẳng hạn như chơi trò ú òa hoặc trò cù lét vui nhộn.
  • Từ 4 – 5 tháng tuổi: Bé cởi mở hơn với người lạ nhưng vẫn luôn dành sự phấn khởi nhất khi được nhìn thấy bố mẹ. Đây là một dấu hiệu chắc chắn rằng bố mẹ và bé đã gắn bó chặt chẽ với nhau.
  • Từ 6 – 10 tháng tuổi:
    • Bước vào độ tuổi ăn dặm, bé có thể thích chơi đùa bên cạnh một em bé khác. Thỉnh thoảng, bé có thể cười, thủ thỉ và bắt chước âm thanh của bạn để giao tiếp.
    • Vào khoảng 7 tháng tuổi, bé bắt đầu có dấu hiệu cảnh giác với người lạ và trở nên căng thẳng nếu không thể nhìn thấy bố mẹ trong một thời gian ngắn. Theo thời gian, bé sẽ dần trở nên độc lập hơn và sẵn sàng khám phá thế giới xung quanh khi biết bố mẹ vẫn luôn ở bên để trấn an chúng.
  • Từ 10 tháng tuổi trở đi: Bé có thể tỏ ra tức giận khi bạn không ở bên và làm nũng để được bồng bế, dỗ dành, yêu thương khi thấy bố mẹ trở về. Nỗi “ám ảnh” về sự chia ly với bố mẹ thường đạt đến đỉnh điểm bên trong nội tâm của bé vào khoảng thời gian từ 10 – 18 tháng tuổi.

Cảm giác an toàn và đời sống cảm xúc mà bố mẹ mang lại cho bé trong năm đầu đời giúp bé tự tin hơn trên hành trình xây dựng những mối quan hệ khác với bạn bè cũng như phát triển các kỹ năng xã hội khác trong suốt nhiều năm sau này.

các mốc phát triển của trẻ sơ sinh, phát triển cảm xúc

Trên hành trình phát triển cảm xúc của con, sự đồng hành và vun đắp từ bố mẹ là điều không thể thiếu

16. Giấc ngủ thay đổi theo từng cột mốc

Trẻ sơ sinh ở mỗi giai đoạn khác nhau cần một thời lượng ngủ khác nhau. Theo đó:

Từ 0 – 2 tháng tuổi:

Tổng thời gian ngủ trong ngày (giờ) 15 – 17 giờ
Sổ giấc ngủ ban ngày (giấc) 3 – 5 giấc
Tổng thời gian ngủ ban ngày (giờ) 7 – 8 giờ

Lưu ý: Trẻ sơ sinh giai đoạn này cần bú từ 8 – 12 cữ mỗi ngày, nên cứ mỗi 2 – 3 giờ, mẹ thường xuyên phải đánh thức trẻ dậy để cho bú (dù là ngày hay đêm).

Từ 3 – 5 tháng tuổi:

Tổng thời gian ngủ trong ngày (giờ) 14 – 16 giờ
Sổ giấc ngủ ban ngày (giấc) 3 – 4 giấc
Tổng thời gian ngủ ban ngày (giờ) 4 – 6 giờ

Lưu ý:

  • Trẻ từ 3 – 5 tháng tuổi cần bú từ 6 – 8 cữ mỗi ngày nên mẹ có thể cân nhắc đánh thức bé sau mỗi giấc ngủ ngày – thường kéo dài từ 3 – 4 tiếng / giấc;
  • Vào ban đêm, nhất là ở tháng thứ 3, trẻ có thể có một giấc ngủ kéo dài liên tục khoảng 6 tiếng;
  • Bước sang tháng thứ 4, hầu hết trẻ vẫn còn tình trạng thức giấc ít nhất 1 lần giữa đêm. Tuy nhiên, bé vẫn có thể ngủ một giấc ban đêm kéo dài liên tục hơn 8 tiếng.

Từ 6 – 12 tháng tuổi:

Tổng thời gian ngủ trong ngày (giờ) 14 giờ
Sổ giấc ngủ ban ngày (giấc) 2 – 3 giấc
Tổng thời gian ngủ ban ngày (giờ) 3 – 4 giờ

Từ khoảng 6 tháng tuổi, trẻ có kiểu ngủ rất giống với người trưởng thành. Ở độ tuổi này, bé ngủ trung bình khoảng 14 giờ mỗi ngày với giấc ngủ dài nhất kéo dài liên tục khoảng 11 giờ vào ban đêm.

Lưu ý:

  • Trong suốt từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 12, bé sẽ bắt đầu giảm số giấc ngủ ngắn ban ngày xuống còn khoảng 2 giấc. Các giấc ngủ ban ngày khá ngắn và thường kéo dài từ 1 – 2 giờ;
  • Hầu hết trẻ sơ sinh từ 6 – 12 tháng tuổi có thể chỉ thức dậy 1 lần trong đêm;
  • Ở độ tuổi này, bé rất dễ cảm thấy bất an nếu phải xa cha mẹ hoặc cảm thấy xa lạ nếu bố mẹ thay đổi người chăm trẻ quá thường xuyên. Từ đó, trẻ có xu hướng muốn ngủ lâu hơn vào ban ngày và tăng số lần thức giấc giữa đêm.
mốc phát triển của trẻ sơ sinh, Giấc ngủ thay đổi theo từng cột mốc

Bên cạnh dinh dưỡng, chất lượng giấc ngủ là yếu tố quan trọng giúp trẻ sơ sinh phát triển toàn diện

Các cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh theo độ tuổi

Sự phát triển của trẻ sơ sinh trong giai đoạn 0 – 1 tuổi thường được chia thành 4 phân loại cột mốc khác nhau, đó là cột mốc về cảm xúc, cột mốc về giao tiếp, cột mốc về nhận thức và cột mốc về phát triển thể chất. Mỗi phân loại cột mốc khác nhau sẽ gắn liền với một bộ nhiều kỹ năng mà trẻ nên đạt được khi bước vào một độ tuổi nhất định (1). Cụ thể:

1. Đến 2 tháng

Từ 0 – 2 tháng tuổi, bé thường đạt được các cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh như sau (2):

Về cảm xúc:

  • Bé bắt đầu mỉm cười với mọi người;
  • Thích nhìn, nghe, xúc chạm và tương tác với cha mẹ;
  • Có thể tạm thời bình tĩnh lại khi được dỗ dành;
  • Có thể đưa tay lên miệng và mút tay.

Về giao tiếp:

  • Bé hay tạo ra những âm thanh “lảm nhảm” ngây ngô như “ahh”, “ohh”;
  • Bé dùng biểu hiện toàn thân (ngôn ngữ hình thể), tiếng khóc và nét mặt để thể hiện cảm xúc.

Về nhận thức:

  • Trẻ bắt đầu theo dõi mọi thứ bằng mắt và chú ý đến khuôn mặt;
  • Dễ tỏ ra buồn chán (quấy khóc) nếu cứ lập đi lập lại một hoạt động quá lâu.

Về thể chất:

  • Trẻ có thể ngẩng đầu lên trong thời gian ngắn;
  • Trẻ bắt dùng tay đẩy lên khi nằm sấp;
  • Chuyển động tay chân nhịp nhàng hơn.
Các cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh theo độ tuổi, đến 2 tháng tuổi

Trẻ 2 tháng tuổi có thể tự dùng tay đẩy lên khi nằm sấp

2. Đến 4 tháng

Từ 3 – 4 tháng tuổi, bé thường đạt được các cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh như sau (3):

Về cảm xúc:

  • Mỉm cười một cách tự nhiên với mọi người;
  • Thích chơi đùa và có thể khóc khi trò chơi dừng lại;
  • Bắt chước chuyển động và nét mặt của bố mẹ như mỉm cười hoặc cau mày.

Về giao tiếp:

  • Bập bẹ được nhiều nguyên âm hơn như “ahh”, “ehhh”, “ohh”.
  • Có biểu hiện sao chép mọi âm thanh bé nghe thấy
  • Tiếng khóc có nhiều sắc thái khác nhau để thể hiện sự đói, đau hay mệt mỏi.

Về nhận thức:

  • Trẻ có thể cho bố mẹ biết họ thấy vui hay buồn;
  • Phản hồi lại với những tương tác từ bố mẹ;
  • Sử dụng tay và mắt cùng lúc để với lấy đồ chơi;
  • Nhìn theo đồ vật chuyển động bằng mắt;
  • Nhận ra người và vật quen thuộc từ khoảng cách xa.

Về thể chất:

  • Bé có thể giữ đầu ổn định mà không cần nâng đỡ;
  • Có thể lật người từ nằm sấp sang ngửa;
  • Có thể cầm một món đồ chơi, lắc đồ chơi lủng lẳng;
  • Hay đưa tay hoặc đồ chơi lên miệng.
Các cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh theo độ tuổi, đến 4 tháng tuổi

Trẻ 4 tháng tuổi rất hay mút tay hoặc đưa đồ chơi vào miệng.

3. Đến 6 tháng

Từ 5 – 6 tháng tuổi, bé thường đạt được các cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh như sau (4):

Về cảm xúc:

  • Nhận ra được người quen và người lạ;
  • Thích chơi với người khác, nhất là bố mẹ;
  • Phản hồi lại cảm xúc của người khác, chẳng hạn như cùng cười khi thấy bố mẹ cười với mình;
  • Thích soi mình trong gương.

Về giao tiếp:

  • Xâu chuỗi các nguyên âm lại với phụ âm khi bập bẹ, chẳng hạn như “mama”, “baba”, “dada”;
  • Tạo ra âm thanh để thể hiện niềm vui và sự không hài lòng;
  • Quay đầu lại nhìn khi nghe ai đó gọi tên của bé;

Về nhận thức:

  • Trẻ thích đưa mọi thứ vào miệng;
  • Thể hiện sự tò mò bằng cách cố chạm vào mọi thứ;
  • Bắt đầu chuyền đồ vật từ tay này sang tay kia.

Về thể chất:

  • Trẻ có thể lật người dễ dàng theo cả hai hướng, từ nằm sấp sang nằm ngửa và ngược lại;
  • Bắt đầu ngồi mà không cần điểm tựa;
Các cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh theo độ tuổi, đến 6 tháng tuổi

Trẻ từ 5 – 6 tháng tuổi có thể ngồi vững mà không cần hỗ trợ

4. Đến 9 tháng

Từ 7 – 9 tháng tuổi, bé thường đạt được các cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh như sau (5):

Về cảm xúc:

  • Bé hay sợ người lạ;
  • Bé rất quấn quýt với bố mẹ và có thể khóc nếu phải rời xa;
  • Bé thích mang món đồ chơi yêu thích theo bên mình.

Về giao tiếp:

  • Bé biết dừng lại khi bố mẹ nói “Không”;
  • Bập bẹ được nhiều âm thanh với tần suất thường xuyên hơn;
  • Sao chép vài từ đơn và cử chỉ của bố mẹ (chẳng hạn như bắt chước nghe điện thoại);
  • Sử dụng ngón tay để chỉ vào đồ vật.

Về nhận thức:

  • Trẻ thích tìm kiếm những thứ được ẩn giấu;
  • Có thể di chuyển mọi thứ trơn tru từ tay này sang tay kia;
  • Nhặt những thứ nhỏ từ dưới đất lên bằng 2 ngón tay.

Về thể chất:

  • Trẻ có thể bò tới bò lui;
  • Có phản xạ nương vào đồ vật để đứng lên;
  • Trẻ có thể đứng vững lâu hơn.
Các cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh theo độ tuổi, đến 9 tháng tuổi

Trẻ từ 7 – 9 tháng tuổi rất thích bò và leo trèo trên nhiều địa hình khác nhau

5. Đến 12 tháng

Từ 10 – 12 tháng tuổi, bé thường đạt được các cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh như sau (6):

Về cảm xúc:

  • Nhút nhát khi thấy người là và khóc khi bố mẹ vắng mặt;
  • Bé thích được cùng bố mẹ xem sách ảnh hay nghe kể chuyện;
  • Lặp lại âm thanh hoặc hành động để thu hút sự chú ý;
  • Chủ động đưa tay chân ra để giúp bố mẹ mặc quần áo;
  • Thích tương tác với bố mẹ càng nhiều càng tốt.

Về giao tiếp:

  • Dễ dàng hiểu và thực hiện theo các yêu cầu đơn giản của bố mẹ;
  • Bé biết lắc đầu để nói “không” hoặc vẫy tay để chào tạm biệt;
  • Biết gọi “bố”, “mẹ” và những câu cảm thán như “wow”, “yeah”…
  • Cố gắng bắt chước theo giọng điệu và lời nói của bố mẹ.

Về nhận thức:

  • Khám phá mọi thứ theo những cách khác nhau như lắc, đập, ném;
  • Thích tìm những thứ bị giấu đi;
  • Biết tên của các đồ vật khi bố mẹ gọi tên;
  • Biết cách sử dụng các vật dụng cá nhân như thìa, cốc, lược,…
  • Thích chơi trò lắp ghép;
  • Hay dùng ngón trỏ để chọc vào đồ vật;
  • Dễ dàng hiểu các câu mệnh lệnh có từ 2 – 3 bước thực hiện, chẳng hạn như “hãy nhặt đồ chơi lên và cất vào thùng”.

Về thể chất:

  • Có thể tự ngồi mà không cần giúp đỡ;
  • Trẻ thích men theo thành tường, vách tủ, bên hông ghế sofa để tập đi;
  • Có thể đi được một vài bước mà không cần điểm tựa;
  • Có thể đứng một mình khá lâu.
Các cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh theo độ tuổi, đến 12 tháng tuổi

Trẻ 12 tháng tuổi thường thích đi men theo đồ dùng nội thất trong nhà

Trên đây là những thông tin quan trọng về các mốc phát triển quan trọng của trẻ sơ sinh mà phụ huynh cần lưu tâm. Bố mẹ cần lưu ý, mỗi đứa trẻ đều phát triển với một tốc độ khác nhau. Các cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh mà Nutrihome chia sẻ bên trên chỉ là cơ sở để mẹ tham khảo, dõi theo các dấu hiệu bình thường hay bất thường của trẻ chứ không phải là “thánh chỉ” để trẻ phải chạy đua với thời gian.

Nếu bố mẹ đang lo lắng về cách con đi đứng, nói chuyện, chơi đùa hay sợ bé không theo kịp các mốc phát triển của trẻ sơ sinh, bố mẹ hãy nhanh chóng đưa bé đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tại đây, bé sẽ nhận được một phác đồ điều trị khoa học kèm thực đơn dinh dưỡng chi tiết, giúp trẻ ăn mau chóng lớn và bắt kịp đà tăng trưởng đã bỏ lỡ. Cuối cùng, Nutrihome xin chúc bé yêu thật nhiều sức khỏe, ăn mau chóng lớn và phát triển toàn diện!

Kết Nối

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Bài Viết Phổ Biến

    Danh Mục