Bệnh đái tháo đường ở trẻ em

-

30/08/2021

Đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin thì mới có cơ hội sống.

1. Đái tháo đường là gì?

Hình ảnh hướng dẫn người bệnh vị trí tiêm Insulin

Đái tháo đường là tình trạng đường máu tăng cao: đường máu lúc đói > 7 mmol/l và sau ăn trên 11 mmol/l. Ở trẻ em, đái tháo đường type 1 là hay gặp nhất.

Đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin thì mới có cơ hội sống.

Với đái tháo đường type 2, vấn đề chính là sự đề kháng Insulin. Các tuyến tụy có thể tạo ra Insulin, thường với số lượng lớn, nhưng Insulin không hoạt động tốt vì các tế bào trong cơ thể đề kháng lại các tác dụng của Insulin. Với đái tháo đường type 2, một thời gian sau tuyến tụy bị suy kiệt, cơ thể trở nên đề kháng với insulin và rơi vào tình trạng thiếu insulin.

Insulin là một hormon được sản xuất ra bởi tế bào beta của tuyến tụy, hormon này giúp cơ thể sử dụng đường từ máu để tạo năng lượng.

Ngoài hai type đái tháo đường phổ biến trên, ở trẻ em còn có thể gặp các bệnh lý như đái tháo đường sơ sinh (trẻ dưới 1 tuổi), đái tháo đường khởi phát ở người trẻ tuổi (MODY), hoặc đái tháo đường đi kèm với các tình trạng bệnh lý khác gây tổn thương tuyến tụy (đái tháo đường thứ phát).

2. Nguyên nhân

Đái tháo đường type 1:

Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường type 1 rất phức tạp và vẫn còn chưa được hiểu rõ. Đái tháo đường xảy ra do sự kết hợp giữa gen trong cơ thể với một số yếu tố môi trường. Nếu một người được quy định bởi gen là có khuynh hướng xuất hiện bệnh đái tháo đường mà tiếp xúc với yếu tố kích hoạt trong môi trường thì bệnh đái tháo đường có thể sẽ xuất hiện. Nếu bệnh đái tháo đường được kích hoạt, hệ thống miễn dịch trong cơ thể sẽ tấn công các tế bào beta tụy và bắt đầu phá huỷ chúng, khiến việc sản xuất insulin sụt giảm. Thời gian để tế bào beta tụy bị phá huỷ thường là từ vài tuần đến vài năm, đến khi có trên 90% số lượng tế bào beta bị phá huỷ thì bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng.

Hình ảnh minh họa

Đái tháo đường type 2: 

Đái tháo đường type 2 ngày càng phổ biến ở trẻ thanh thiếu niên. Nguyên nhân chính là do thừa cân hoặc béo phì, thường liên quan đến lối sống như vận động chưa đủ, ăn uống quá nhiều, ăn uống không lành mạnh (quá nhiều chất béo, quá nhiều đường hay tinh bột). Những người có nguy cơ cao nhất là những người bị “béo trung tâm” (tức là trọng lượng thừa tập trung vào bụng và vùng quanh bụng)

Yếu tố gia đình cũng có vai trò ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường type 2. Một số dạng đái tháo đường type 2 khác ít phổ biến hơn có tác động đến những người không bị béo phì và thường có ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố di truyền.

3. Triệu chứng của bệnh như thế nào?

Hình minh họa

Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác.

Khi bệnh đái tháo đường tiến triển, lượng đường huyết tăng trên mức bình thường, thường là gấp 5  – 10 lần so với bình thường. Lượng glucose dư thừa tràn vào trong nước tiểu, kéo theo nước, dẫn đến làm gia tăng lượng nước tiểu và gây nên tình trạng mất nước. Cảm giác khát nước tăng lên do cơ thể cố gắng cân bằng lượng nước, và những người bệnh có thể uống rất nhiều nước.

Người bệnh có thể sụt cân vài tuần đến vài tháng sau khi mắc bệnh. Hai biểu hiện khá phổ biến là trẻ mệt nhiều và thay đổi cảm xúc do cơ thể không được khoẻ.

Những dấu hiệu phổ biến của bệnh đái tháo đường: Một số dấu hiệu khác của bệnh đái tháo đường
  • Tiểu đêm thường xuyên
  • Hay khát nước, uống nhiều nước
  • Sụt cân
  • Mệt mỏi
  • Thay đổi cảm xúc
  • Nhiễm trùng miệng, âm đạo hoặc da
  • Đau bụng
  • Học lực giảm sút do cơ thể không khoẻ
  • Hay đói

4. Làm thế nào để phát hiện ra bệnh đái tháo đường?

Việc chẩn đoán bệnh đái tháo đường thường đơn giản. Nếu thấy các triệu chứng bệnh đái tháo đường, các bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu (đánh giá đường huyết) và xét nghiệm nước tiểu (tìm đường trong nước tiểu). Trong phần lớn các trường hợp, chúng ta không cần làm thêm bất cứ xét nghiệm nào khác. Tuy nhiên, nếu còn nghi ngờ, các bác sĩ có thể khuyên làm thêm xét nghiệm dung nạp glucose.

5. Bệnh đái tháo đường có thể điều trị bằng cách nào?

Đái tháo đường type 1:

Một số vấn đề chủ yếu trong điều trị bệnh đái tháo đường type 1:

  • Điều trị bằng Insulin: Cần bổ sung lượng Insulin mà cơ thể không sản xuất ra được. Insulin cần phải được tiêm vào lớp mỡ dưới da (gọi là tiêm dưới da)
  • Chế độ ăn: Một chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ tinh bột (carbohydrate) là cần thiết với lượng insulin tiêm vào cơ thể.
  • Tập thể dục: Tập thể dục và vận động là yếu tố cấu thành lối sống khoẻ mạnh. Điều quan trọng là phải hiểu tập thể dục có ảnh hưởng thế nào đến bệnh Đái tháo đường.
  • Tìm hiểu và học hỏi: Có rất nhiều điều cần biết về bệnh đái tháo đường để có thể kiểm soát tốt về bệnh. Đây là một quá trình lâu dài.

Đái tháo đường type 2:

  • Thay đổi lối sống lành mạnh hơn bao gồm vận động nhiều hơn, tập luyện thường xuyên, chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Với những trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên bị béo phì cần đặt ra mục tiêu là duy trì cân nặng nhất định hoặc tăng cân từ từ. Khi trẻ cao lên, cân nặng của trẻ sẽ phù hợp với chiều cao hơn. Một số bệnh nhân đái tháo đường type 2 vẫn mạnh khỏe nếu ăn uống điều độ, vận động và giảm cân, và có thể không cần đến biện pháp điều trị nào khác, ít nhất là trong một vài năm.
  • Nhìn chung, các bệnh nhân đái tháo đường vẫn cần phải có các biện pháp hỗ trợ khác như uống thuốc hoặc tiêm insulin hoặc cả hai.

6. Biến chứng của bệnh đái tháo đường như thế nào?

Theo thời gian, các biến chứng của bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến các cơ quan chính trong cơ thể bạn, bao gồm tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận. Duy trì mức đường huyết bình thường có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc nhiều biến chứng.

  • Bệnh thận: Thận chứa hàng triệu cụm mạch máu nhỏ giúp lọc chất thải từ máu của bạn. Bệnh đái tháo đường có thể làm hỏng hệ thống lọc tinh vi này. Tổn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận hoặc bệnh thận giai đoạn cuối không thể hồi phục, phải lọc máu hoặc ghép thận.
  • Tổn thương mắt: Bệnh đái tháo đường có thể làm hỏng các mạch máu của võng mạc (bệnh võng mạc đái tháo đường), có khả năng gây mù lòa. Bệnh đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về thị lực nghiêm trọng khác, chẳng hạn như đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
  • Tình trạng da và miệng: Bệnh đái tháo đường có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng da và miệng hơn, bao gồm cả nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm. Bệnh nướu răng và khô miệng cũng có nhiều khả năng xảy ra hơn.
  • Tổn thương dây thần kinh (bệnh thần kinh). Lượng đường dư thừa có thể làm tổn thương thành của các mạch máu nhỏ (mao mạch) nuôi dưỡng các dây thần kinh của bạn, đặc biệt là ở chân. Điều này có thể gây ngứa, tê, rát hoặc đau, thường bắt đầu ở đầu ngón chân hoặc ngón tay và dần dần lan lên trên.
  • Bệnh tim và mạch máu. Bệnh đái tháo đường làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch khác nhau, bao gồm bệnh mạch vành với đau ngực (đau thắt ngực), đau tim, đột quỵ, hẹp động mạch (xơ vữa động mạch) và huyết áp cao.

7. Bệnh đái tháo đường có thể phòng tránh không?

Bệnh đái tháo đường type 1 không thể ngăn ngừa được. Chúng ta thậm chí không thể biết ai sẽ mắc bệnh hay sẽ không mắc căn bệnh này. Bệnh đái tháo đường type 1 không phải là bệnh truyền nhiễm, vì vậy trẻ em và thanh thiếu niên không thể mắc bệnh từ người khác hoặc truyền bệnh cho bạn bè hoặc thành viên trong gia đình.

Không giống như bệnh đái tháo đường type 1, bệnh đái tháo đường typ 2 đôi khi có thể được ngăn ngừa. Tăng cân quá mức, béo phì và lối sống ít vận động là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Trước đây, bệnh đái tháo đường type 2 thường chỉ xảy ra ở người lớn. Nhưng hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2, do số lượng trẻ em thừa cân/béo phì ngày càng tăng nhanh.

Các bước sau có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2:

  • Đảm bảo trẻ ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Khuyến khích con bạn ăn thực phẩm ít béo, giàu chất dinh dưỡng – như ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt, trái cây, rau, sản phẩm từ sữa và protein nạc – có thể giúp ngăn ngừa tăng cân quá mức, một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh đái tháo đường type 2.
  • Hạn chế thức ăn và đồ uống có đường. Tiêu thụ nhiều thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường – như nước ngọt, nước trái cây có đường – có thể dẫn đến tăng cân quá mức.
  • Khuyến khích nhiều hoạt động thể chất. Duy trì hoạt động và hạn chế thời gian dành cho các hoạt động ít vận động – như xem TV, chơi điện tử hoặc trò chơi trên máy tính – có thể giúp giảm nguy cơ tăng cân và giúp ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh đái tháo đường type 2.

8. Tại sao nên khám tại khoa Nội tiết – Chuyển hoá – Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương?

Sống chung với bệnh đái tháo đường không dễ dàng. Theo dõi đái tháo đường ở trẻ em đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực của trẻ và gia đình, đặc biệt là trong thời gian đầu. Nếu trẻ đang có những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đái tháo đường, nên đưa trẻ đi tới các cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời.

Hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã và đang chẩn đoán, điều trị và theo dõi các các bệnh nhân đái tháo đường với các ưu điểm vượt trội sau:

  • Được thực hiện bởi đội ngũ bác sỹ là các chuyên gia đầu ngành, trình độ chuyên môn cao, tận tụy và hết lòng vì lợi ích của bệnh nhân, mang đến hiệu quả cao trong điều trị khám chữa bệnh.
  • Bề dày trên 50 năm kinh nghiệm trong các bệnh lý nội tiết nói chung và bệnh lý đái tháo đường ở trẻ em nói riêng.
  • Dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp.
  • Hệ thống trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả.

*Quý khách hàng có thể lựa chọn thăm khám và theo dõi điều trị bệnh đái tháo đường tại:

– Phòng khám chuyên khoa Nội tiết – Chuyển hoá – Di truyền – Phòng D128 – D130, Khoa Khám bệnh chuyên khoa (Tầng 1, nhà A). Thời gian khám: từ 7h – 16h30 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày lễ, Tết). ĐT: 024 6274 7706.

– Phòng khám chuyên khoa Nội tiết – Chuyển hoá – Di truyền – Trung tâm Quốc tế. Thời gian khám: từ 7h – 16h30 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày lễ, Tết). ĐT: 0862 33 55 66.

Khoa Nội tiết – Chuyển hoá – Di truyền -Bệnh viện Nhi Trung ương

Kết Nối

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Bài Viết Phổ Biến

    Danh Mục