12/08/2021
Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu hụt hormon tăng trưởng nhưng hầu hết vẫn chưa được biết rõ. Thường gặp nhất là do tổn thương của tuyến yên khi sinh
1. Chậm tăng trưởng và hiếu hụt hormon tăng trưởng là gì?
Chậm tăng trưởng chiều cao được định nghĩa khi chiều cao dưới -2 chỉ số độ lệch chuẩn (< -2SD) và tốc độ tăng chiều cao trong 1 năm < 1,5 độ lệch chuẩn so với quần thể tham khảo cùng tuổi giới. Tình trạng chậm tăng trưởng chiều cao có thể cải thiện khi điều trị bằng hormon tăng trưởng gặp trong: Hội chứng Turner, suy tuyến yên toàn bộ, thiếu hormon tăng trưởng đơn thuần, hội chứng Prader Willi, suy thận mạn tính, chậm phát triển so với tuổi thai, lùn đơn thuần.
Khoảng 25% trẻ có chiều cao < -3 chỉ số độ lệch chuẩn có thiếu hụt hormon tăng trưởng. Tần số gặp thiếu hormon tăng trưởng khoảng 1/3500 – 1/4000, thể nhẹ hơn có thể gặp ở 1/2000.
Hormon tăng trưởng có tác dụng kiểm soát sự phát triển của xương, cơ và một số cơ quan trong cơ thể. Thiếu hụt hormon tăng trưởng xảy ra khi não không sản xuất đủ hormon tăng trưởng. Điều này thường do các vấn đề ở vùng dưới đồi hoặc tuyến yên, là một phần cấu trúc của não chịu trách nhiệm sản xuất hormon.
2. Nguyên nhân của thiếu hụt hormon tăng trưởng?
Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu hụt hormon tăng trưởng nhưng hầu hết vẫn chưa được biết rõ. Thường gặp nhất là do tổn thương của tuyến yên khi sinh. Những tổn thương này có thể là do những chấn thương nặng vùng đầu. Một số trường hợp thiếu hụt hormon tăng trưởng là do di truyền.
3. Chẩn đoán thiếu hụt hormon tăng trưởng như thế nào?
Bố mẹ nên đưa con đến bác sỹ Nội tiết Nhi nếu nghi ngờ trẻ chậm tăng trưởng. Các bác sỹ chuyên khoa sẽ thăm khám để xác định chính xác trẻ có chậm tăng trưởng hay không và tìm nguyên nhân trẻ chậm tăng trưởng.
Khi bé đến khám lần đầu các bác sỹ sẽ tiến hành:
- – Thăm khám lâm sàng và đánh giá mức độ chậm tăng trưởng, các biểu hiện về ngoại hình, tỷ lệ phân bố các phần của cơ thể và tình trạng dậy thì, dấu hiệu của bệnh mạn tính hoặc bệnh nội tiết.
- – Hỏi về tiền sử lúc sinh, tiền sử bệnh tật, tiền sử gia đình của trẻ.
- – Các xét nghiệm có thể được chỉ định gồm bao các xét nghiệm sàng lọc và các xét nghiệm để chẩn đoán.
Lượng hormon tăng trưởng được giải phóng vào máu thành từng đợt trong cả ngày lẫn đêm, đặc biệt khi ngủ. Do đó để định lượng hormon này cần sử dụng một số xét nghiệm đặc biệt. Hai phương pháp kiểm tra hay được sử dụng:
- Test kích thích: test thể dục, test glucagon.
- Xét nghiệm IGF-1.
4. Điều trị thiếu hụt hormon tăng trưởng như thế nào?
Sau khi được bác sỹ Nội tiết Nhi chẩn đoán chậm tăng trưởng do thiếu hụt hormone tăng trưởng hoặc một số bệnh lý khác như hội chứng Turner, hội chứng Prader Willi, suy thận mạn tính, chậm phát triển so với tuổi thai, lùn đơn thuần, trẻ sẽ được chỉ định tiêm hormone tăng trưởng.
Thuốc được sử dụng là một dạng hormon tăng trưởng tổng hợp. Dạng tổng hợp này tương tự như hormon tăng trưởng tự nhiên ở người.
5. Liều lượng, tần suất và thời gian dùng của hormon tăng trưởng?
Liều lượng hormon tăng trưởng thay đổi tùy theo cân nặng/diện tích da của con bạn. Điều này có nghĩa là liều cho con bạn sẽ tăng lên khi trẻ lớn hơn.
Hormon tăng trưởng thường được khuyến cáo dùng hàng ngày bằng cách tiêm dưới da. Nên tiêm vào buổi tối, ngay trước khi đi ngủ.
Lượng hormon tăng trưởng cần mỗi ngày sẽ được tính riêng cho con bạn và cũng như được cung cấp các phương tiện dùng thuốc kèm theo. Bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể cách dùng và liều lượng.
6. Sự khác nhau giữa các hình thức tiêm hormon tăng trưởng là gì?
Các thiết bị sau đây được dùng để tiêm hormon tăng trưởng:
- Hệ thống bút tiêm: Bề ngoài của chúng giống cây bút viết lớn chứa bên trong 1 ống hormone tăng trưởng. Chúng khá tiện lợi cho việc tính liều để tiêm.
- Thiết bị tiêm tự động: Thiết bị tự động tiêm hoàn toàn bao quanh kim và ống tiêm để chúng không thể nhìn thấy. Khi chạm vào nút, kim được luồn qua da và hormone tăng trưởng sẽ tự động được tiêm.
- Tiêm không kim: Với thiết bị này, hormone tăng trưởng được tiêm qua da bằng cách sử dụng kim phun khí áp suất cao. Không cần sử dụng kim tiêm. Một số trẻ có thể thấy hơi khó chịu đặc biệt khi trẻ gầy, nhưng một số trẻ và gia đình thích nó vì việc tiêm thuốc sẽ mất ít thời gian hơn so với thiết bị có kim.
7. Vì sao nên đến Bệnh viện Nhi Trung ương để khám sàng lọc chậm tăng trưởng và thiếu hụt hormon tăng trưởng?
- Là bệnh viện đầu tiên trong nước điều trị hormon tăng trưởng, đến nay bệnh viện đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị với số lượng bệnh nhân được chỉ định điều trị do thiếu hụt hormon tăng trưởng lên đến 1200 bệnh nhân.
- Bệnh viện Nhi Trung ương cũng là bệnh viện duy nhất khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ có thể thực hiện được test Glucagon để chẩn đoán thiếu hụt hormon tăng trưởng.
- Bé sẽ được thăm khám bởi đội ngũ Tiến sĩ, Thạc sĩ, bác sĩ Nội trú có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, thường xuyên được đào tạo qua các khoá học, hội nghị trong và ngoài nước.
*Quý khách hàng có thể lựa chọn thăm khám sàng lọc chậm tăng trưởng cho trẻ tại Trung tâm Nội tiết – Chuyển hoá – Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương:
- Phòng khám chuyên khoa Nội tiết – Chuyển hoá – Di truyền – Phòng D128 – D130, Khoa Khám bệnh chuyên khoa (Tầng 1, nhà A). ĐT: 024 6274 7706. Phòng 23, Khoa Khám bệnh đa khoa, ĐT: 024 6273 8501.Thời gian khám: từ 7h – 16h30 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày cuối tuần và ngày lễ, Tết).
- Phòng khám chuyên khoa Nội tiết – Chuyển hoá – Di truyền – Trung tâm Quốc tế. Thời gian khám: từ 7h30 – 16h30 từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần (trừ ngày cuối tuần và ngày lễ, Tết). ĐT: 0862 33 55 66.
Trung tâm Nội tiết – Chuyển hoá – Di truyền – Bệnh viện Nhi Trung ương.