16/12/2023
Dinh dưỡng có vài trò đặc biệt quan trọng với người bệnh, có tác động đến quá trình điều trị. Đặc biệt là dinh dưỡng cho người bệnh chạy thận nhân tạo, nếu chế độ dinh dưỡng không đúng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Thận nhân tạo sẽ giúp loại bỏ các chất cặn bã, dịch dư thừa ra khỏi cơ thể nhưng không thay thế hoàn toàn như thận bình thường. Vì vậy, người bệnh chạy thận nên lựa chọn những thực phẩm như thế nào? Chế độ ăn ra sao? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. Sự cần thiết của việc có chế độ dinh dưỡng đúng cho người chạy thận nhân tạo
- Đa số các người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ sẽ không có nước tiểu hoặc chỉ còn 1 lượng rất nhỏ, do đó giữa các đợt điều trị lọc máu cơ thể người bệnh sẽ tích tụ các chất cặn bã, dịch dư thừa.
- Thận nhân tạo chu kỳ thường chỉ thực hiện 3-4 lần/ 1 tuần, mỗi chu kỳ chỉ kéo dài 3-4 giờ tùy người bệnh. Do đó để giảm sự tích tụ các chất cặn bã, dịch dư thừa thì việc kiểm soát chế độ dinh dưỡng là rất cần thiết.
2. Nguyên tắc cơ bản để xây dựng khẩu phần dinh dưỡng cho người bệnh chạy thận nhân tạo
- Năng lượng theo cân nặng và lứa tuổi
- Chất đạm 1,2 – 1,4 g/ kg/ngày.
- Giàu can xi.
- Đủ vitamin và các yếu tố vi lượng khác.
- Ít nước, ít muối, ít Kali, ít Phospho.
3. Một số lưu ý về các chất dinh dưỡng đối với người bệnh chạy thận nhân tạo
Chế độ ăn đủ năng lượng, giàu đạm
- Ưu tiên thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng, sữa..) hạn chế thực phẩm giàu đạm nguồn gốc thực vật (đậu, đỗ, vừng…)
- Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng cho cơ thể phòng chống suy dinh dưỡng. Tinh bột là nguồn cung cấp chính cho cơ thể chiếm 50 – 60 % tổng năng lượng khẩu phần.
- Cần bổ sung dầu ăn khi chế biến các món ăn để tăng cường năng lượng: dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu cải.
- Hạn chế thịt mỡ, phủ tạng, bơ, dầu dừa,… để giảm nguy cơ rối loạn chuyển hóa mỡ máu.
Chế độ ăn ít Phospho
Phospho trong máu nhiều có thể làm xương yếu, dễ gãy hơn, đau khớp, gây ngứa da.
- Hạn chế những thực phẩm giàu phospho như yến mạch, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, đậu, socola, thực phẩm chế biến sẵn và đóng hộp, nội tạng..
- Bên cạnh đó, cần dùng kết hợp chất kết dính Phophat để tránh tăng phospho máu như canxi cacbonat.
Chế độ ăn ít Kali
Nồng độ Kali trong máu cao sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim và có thể dẫn đến ngừng tim
- Tránh thực phẩm có hàm lượng Kali cao như: chuối tiêu, chuối tây, nho, cam, mít, nhãn khô, vải khô, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì, bánh quy, các loại hạt, nước dừa, tất cả nước trái cây và rau quả đóng hộp, trà café, cacao.
- Kali có thể được giảm trong quá trình chuẩn bị rau bằng cách rửa ngâm, thái nhỏ và luộc với nồi nước đầy.
Chế độ uống ít nước
Quá tải nước có thể gây ra các vấn đề:
- Huyết áp cao.
- Khó thở do tràn dịch màng phổi.
- Đau ngực, đau thắt ngực, đau đầu.
- Phù tay, chân, toàn thân.
Lượng nước đưa vào trong vòng 24h = Lượng nước tiểu 24h + lượng dịch mất cơ bản hàng ngày 10-15 ml/kg/ngày (dịch mất qua đường thở, mồ hôi, phân..)
Nếu người bệnh có nôn, sốt, tiêu chảy…thì lượng nước đưa vào phải tăng thêm tùy theo lượng dịch mất.
Để kiểm soát nước cần:
- Đo và chuẩn bị nước cho phép trong ngày trong một chai nước.
- Ngậm kẹo chua hoặc ngậm chanh để làm ẩm miệng khô.
- Uống nước từ cốc nhỏ hơn.
- Súc miệng bằng nước nhưng không được nuốt.
- Hạn chế ăn mặn để hạn chế uống nước.
- Kiểm soát mức đường huyết.
Chế độ ăn ít muối
Ăn quá nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, đột quỵ, bệnh tim mạch, khiến cơ thể khát và uống nhiều nước hơn.
Để hạn chế muối cần:
- Hạn chế muối thêm vào thức ăn.
- Tránh sử dụng muối hạt, nước mắm, nước sốt.
- Giảm các sản phẩm đóng hộp, đóng gói, thức ăn nhanh.
- Ưu tiên sử dụng những thực phẩm tươi.
- Sử dụng chanh tươi, nước chanh hoặc giấm để tạo hương vị thực phẩm.
Cử nhân Điều dưỡng Đặng Thị Bích Hảo
Khoa Thận và Lọc máu