13/12/2021
Khe hở môi và vòm miệng là một dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt hay gặp. Trên thế giới, tỷ lệ mắc dị tật này trong số trẻ mới sinh khoảng từ 1/600 đến 1/1000. Trong đó khe hở vòm miệng chiếm 40%.
A. Khe hở vòm miệng là gì?
Khe hở môi và vòm miệng là một dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt hay gặp. Trên thế giới, tỷ lệ mắc dị tật này trong số trẻ mới sinh khoảng từ 1/600 đến 1/1000. Trong đó khe hở vòm miệng chiếm 40%.
Trẻ có thể có khe hở vòm miệng đơn thuần, có thể phối hợp cùng khe hở môi. Trẻ khe hở vòm cũng có thể nằm trong các hội chứng toàn than như Pierrobin, Treacher Collin, Vander Woude…
Khe hở vòm miệng gây ra các rối loạn trầm trọng cho trẻ như khó ăn-bú, hay bị sặc, dễ mắc các bệnh đường hô hấp, rối loạn phát âm, rối loạn tâm lý…
Điều trị khe hở vòm miệng liên quan đến nhiều chuyên ngành như phẫu thuật hàm mặt, nắn chỉnh răng và chỉnh hình, thính học, ngôn ngữ, nhi khoa.
B. Phân loại khe hở vòm miệng
Vòm miệng ngăn cách khoang miệng ở dưới và hốc mũi ở trên. Vòm miệng được giới hạn phía trước và hai bên bởi cung răng, phía sau là vòm miệng mềm và lưỡi gà. Vòm miệng gồm hai phần: vòm cứng và vòm mềm
Có nhiều cách phân loại nhưng hiện nay phân loại hay được sử dụng nhất là phân loại theo Veau trên lâm sàng gồm có 2 loại sau:
1. Khe hở vòm miệng không toàn bộ
Khe hở đi từ lưỡi gàm qua vòm miệng mềm và chưa qua lỗ răng cửa
2. Khe hở vòm miệng toàn bộ
Đi từ lưỡi gà qua lỗ răng cửa, có thể thông với một hoặc hai hốc mũi.
C. Tổn thương thực thể và các dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám
– Khi trẻ khóc nhìn vào vòm miệng thấy lưỡi gà tách đôi hoặc đối với khe hở vòm miệng toàn bộ thì khe hở đi từ lưỡi gà đến vòm miệng cứng tùy từng mức độ. Có thể thông suốt từ lưỡi gà đến lỗ răng cửa. Với khe hở vòm miệng một bên, vách ngăn mũi thường dính vào bên lành. Khe hở vòm miệng một bên toàn bộ thường đi kèm với khe hở môi một bên toàn bộ.
D. Hoặc dựa vào các ảnh hưởng chức năng của khe hở vòm miệng
– Trẻ thường khó bú, trẻ hay bị sặc khi ăn uống.
– Trẻ bị phát âm sai hoặc rối loạn phát âm, tùy theo mức độ khe hở có thể có các rối loạn âm như cộng hưởng mức độ từ nhẹ đến nặng. Giọng mũi hở và hơi thoát qua mũi cũng ở nhiều mức độ
– Trẻ hay mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp trên, suy dinh dưỡng, có thể có dị tật phối hợp..
E. Điều trị cụ thể
– Chăm sóc dinh dưỡng: trẻ cần được bú bằng bình sữa dành riêng cho trẻ dị tật khe hở vòm miệng với cấu trúc thân bình mềm, đầu ti dài, có van chống sặc( bình chuyên dụng của hãng Madela hoặc hãng Pegion).
1. Phẫu thuật tạo hình vòm lúc 9 đến 12 tháng tùy tình trạng sức khỏe và mức độ khe hở vòm miệng
- Đặt ống thông khí tai nếu có chỉ định
- Đánh giá ngôn ngữ lần đầu lúc trẻ 2,5 tuổi
- Trị liệu ngôn ngữ sau 3 tuổi và hẹn tái khám mỗi 6 tháng
- Nếu tình trạng rối loạn âm nặng và không cải thiện sau trị liệu, trẻ sẽ được nội soi mũi hầu ống mềm để chẩn đoán mức độ thiểu năng vòm hầu khi trẻ 4-5 tuổi.
- Tiếp tục đánh giá ngôn ngữ lúc 9 tuổi trước khi ghép xương cung hàm
- Nếu trẻ phải phâu thuật tạo hình xương hai hàm: đánh giá trước và sau phẫu thuật.
2. Phẫu thuật điều trị thiểu năng vòm hầu khi trẻ 4-6 tuổi
Khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Nhi Trung ương là cơ sở đầu ngành điều trị toàn diện dị tật khe hở môi và khe hở vòm miệng. Khoa có phương tiện đầy đủ để chẩn đoán, trị liệu, phẫu thuật các tình trạng ngọng sau phẫu thuật khe hở vòm miệng thì 1. Nếu con bạn có dị tật này lúc sinh ra hoặc đã được phẫu thuật mà còn chưa phát âm rõ, hãy liên hệ ngay với đội ngũ bác sĩ trong khoa. Chúng tôi có các chương trình tài trợ với tổ chức Khe hở môi và vòm miệng trên thế giới như NCF của Đài Loan, DKCH của Đức, Smile Train của Mỹ để tài trợ và hỗ trợ kinh phí điều trị – kinh phí đi lại cho con bạn.
BS Nguyễn Thị Ngọc Lan – Khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Nhi Trung ương