Gánh nặng về dinh dưỡng
Mặc dù, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững. Theo số liệu giám sát dinh dưỡng hàng năm cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 33,8% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và tỷ lệ này chỉ còn 11,6% năm 2020.
Việt Nam đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các vi chất dinh dưỡng khác ngày càng được cải thiện. Kiến thức và thực hành dinh dưỡng của người dân ngày càng được nâng cao…
Tuy nhiên, tại Tọa đàm Chuyên đề về Phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng và Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 2 năm 2023, PGS.TS. Trương Tuyết Mai (Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia) cho hay, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng: Tình trạng suy dinh dưỡng đồng thời cùng tồn tại với thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì, kèm theo xu hướng gia tăng của bệnh không lây nhiễm. Nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng của người dân còn chưa hợp lý (tiêu thụ nhiều thịt, ăn ít rau quả…) và thiếu hoạt động thể lực.
Theo đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức cao (chiếm 19,6% năm 2020) và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng miền núi so với thành thị và nông thôn. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (5 – 19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020.
Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng nhờ truyền thông kiến thức chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ
PGS.TS. Trương Tuyết Mai cho hay, suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn đến thanh niên Việt Nam thấp còi. Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em, khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động khi trưởng thành.
Việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng theo vòng đời từ giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trẻ lứa tuổi học đường, trẻ vị thành niên, người trưởng thành và người cao tuổi đặc biệt quan trọng trong phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc của người Việt Nam.
Tại cuộc tọa đàm, TS. BS. Phan Bích Nga (Trưởng Khoa khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em – Viện dinh dưỡng Quốc gia) cho hay, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn còn cao, chủ yếu là do các bậc cha mẹ thiếu kiến thức về dinh dưỡng, không nắm được nhu cầu dinh dưỡng của từng độ tuổi để trẻ có thể phát triển đầy đủ. Đây cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng thấp còi ở trẻ.
Cũng theo TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), thực tế không có thực phẩm nào là hoàn hảo. Thực phẩm nào cũng chứa lượng dinh dưỡng nhất định, do đó, để đảm bảo đủ vi chất dinh dưỡng, bữa ăn cần đa dạng các loại thực phẩm.
Hiện nay, người dân đã có sự quan tâm hơn về dinh dưỡng, tuy nhiên vẫn còn thiếu kiến thức về dinh dưỡng, nhiều người vẫn quá dựa dẫm vào thông tin trên mạng xã hội mà chưa tìm đến những nguồn thông tin chính thống (các cơ sở y tế, trang thông tin có nguồn gốc tin cậy…)… Vì thế mà việc thực hành dinh dưỡng còn chưa được đầy đủ.
Do vậy, cần tuyên truyền sâu, rộng để những thông tin chính thống về dinh dưỡng đến được với người dân, từ đó nâng cao nhận thức về vai trò dinh dưỡng hợp lý của người dân. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác dinh dưỡng để đảm bảo mọi người dân đạt được tình trạng dinh dưỡng tối ưu, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng, nhằm góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những sai lầm kinh điển về dinh dưỡng cha mẹ hay mắc phải.