Rối loạn lo âu ở trẻ em và vị thành niên

-

13/09/2023

Lo lắng là một phần bình thường và tất yếu của cuộc sống mà ai cũng đối mặt. Đối với thanh thiếu niên, lo lắng một chút là bình thường, thậm chí còn giúp tạo động lực cho việc học, thành tích,… Tuy nhiên, nếu sự lo lắng kéo dài dai dẳng và quá mức so với thực tế, đó có thể là biểu hiện của rối loạn lo âu.

1. Lo âu là gì?

Lo âu là một vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến ở trẻ em và vị thành niên, tỷ lệ dao động 6,5-25% tùy nghiên cứu;

Các lựa chọn điều trị chứng rối loạn lo âu ở thanh thiếu niên bao gồm liệu pháp tâm lý và liệu pháp hóa dược trong một số trường hợp cần thiết.

Lo âu ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần chứ không chỉ đơn thuần là cảm giác. Trẻ có thể thường cảm thấy căng thẳng, bồn chồn, dễ kích động và lo lắng thái quá về tình huống mình đang sắp gặp phải hoặc hiếm khi xảy ra. Điều này gây phiền muộn và cản trở việc học tập ở trường, quan hệ bạn bè, thú vui sở thích và các hoạt động trong cuộc sống của trẻ.

2. Lo âu có phổ biến ở trẻ em và vị thành niên không?

Lo âu là một rối loạn tâm thần phổ biến ở trẻ em và vị thành niên.

Một đánh giá có hệ thống về các nghiên cứu được thực hiện ở 27 quốc gia ước tính rằng tỷ lệ mắc chứng rối loạn lo âu ở trẻ em trên toàn thế giới là 6,5%.

Tại Mỹ, gần 8,3% trẻ em trong khoảng 3-17 tuổi có rối loạn lo âu. Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia ước tính rằng tỷ lệ mắc rối loạn lo âu ở thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi là 25% và tỷ lệ mắc chứng lo âu nghiêm trọng là khoảng 5,9%.

Tỷ lệ phổ biến khoảng 20% ​​đối với ám ảnh đặc hiệu (sợ đi thang máy, sợ bẩn, sợ nhiễm bệnh,…), 9% đối với chứng rối loạn lo âu xã hội, 8% đối với chứng rối loạn lo âu chia ly và 2% đối với rối loạn sợ khoảng trống, rối loạn hoảng sợ và rối loạn lo âu lan tỏa.

 Rối loạn lo âu có thể xuất phát bởi các yếu tố

  • Yếu tố sinh học: gen
  • Yếu tố cá nhân: tính cách và chiến lược đối phó kém, khả năng thích nghi kém
  • Yếu tố môi trường: cha mẹ hay lo lắng, những trải nghiệm không tốt thời thơ ấu.

3. Các triệu chứng lo âu ở trẻ em và vị thành niên là gì?

Biểu hiện rối loạn lo âu ở thanh thiếu niên có thể bao gồm:

  • Cảm thấy liên tục bị kích động, căng thẳng hoặc bồn chồn;
  • Nhạy cảm với những lời chỉ trích hoặc cực kỳ tự ti;
  • Luôn lo lắng về những điều khó có thể xảy ra;
  • Tránh những tình huống mới hoặc tình huống khó xử lý;
  • Khó khăn trong việc tập trung và học tập tại trường;
  • Khó ngủ, ngủ hay giật mình, gặp ác mộng;
  • Thay đổi thói quen ăn uống;
  • Nhìn đồ vật lúc to lúc nhỏ thất thường.

Trẻ cũng có thể có các triệu chứng cơ thể như:

  • Hồi hộp trống ngực;
  • Cảm thấy chóng mặt;
  • Run chân tay;
  • Vã mồ hôi;
  • Người lắc lư;
  • Hụt hơi;
  • Cảm thấy khó chịu vùng bụng;
  • Bị đau bộ phận cơ thể (hay gặp đau bụng, đau đầu, đau ngực,..).

Lưu ý rằng rối loạn lo âu rối loạn lo âu ở thay thiếu niên có nhiều triệu chứng khác nhau ở mỗi trẻ. Các triệu chứng thường bao gồm nỗi sợ hãi và lo lắng quá mức, cảm giác bồn chồn bên trong và xu hướng cảnh giác quá mức. Ngay cả khi không có mối đe dọa thực sự, một số thanh thiếu niên vẫn mô tả cảm giác lo lắng liên tục, bồn chồn hoặc căng thẳng tột độ.

Sự lo lắng ở tuổi vị thành niên thường tập trung vào những thay đổi trong cách nhìn và cảm nhận về cơ thể của trẻ, sự thích ứng xã hội và những xung đột liên quan đến tính độc lập. Khi lo âu, trẻ vị thành niên có thể trở nên nhút nhát, thu mình hơn. Trẻ có xu hướng né tránh các hoạt động thông thường hoặc từ chối tham gia vào những trải nghiệm mới Ngược lại, trong một số trường hợp, để giảm bớt hoặc phủ nhận sự lo âu của mình, trẻ có thể tham gia các hành vi nguy hiểm, thử trải nghiệm cảm giác lạ như sử dụng ma túy hoặc hành vi tình dục một cách bộc phát.

4. Lo âu ở trẻ em và vị thành niên được chẩn đoán như thế nào?

Trẻ sẽ được thăm khám về các triệu chứng và mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra trẻ sẽ được làm một số bài trắc nghiệm tâm lý cần thiết bởi nhà tâm lý. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu một số cận lâm sàng để loại trừ một số chẩn đoán phân biệt hoặc nguyên nhân gây một số triệu chứng giống lo âu như: bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý tim mạch, bệnh lý tiêu hóa, dùng chất kích thích,…

Lưu ý rằng rối loạn lo âu chủ yếu bắt đầu trong những năm thiếu niên. Triệu chứng lo âu ở trẻ nhỏ không điển hình như ở người lơn và dễ bị bỏ sót. Đôi khi lo âu ở trẻ nhỏ biểu hiện bằng các triệu chứng đau dai dẳng như đau đầu, đau bụng, đau ngực…Do vậy, nếu trẻ có các triệu chứng lo âu, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm thần nhi.

Nếu không được điều trị, chứng rối loạn lo âu có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài và có thể tiếp tục kéo dài đến tuổi trưởng thành.s

5. Lo âu ở trẻ em và vị thành niên được điều trị như thế nào?

Điều trị rối loạn lo âu ở trẻ em và vị thành niên:

  • Trị liệu tâm lý: liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavior Therapy – CBT).
  • Thuốc chống trầm cảm – giải lo âu được khuyến cáo dùng trong một số trường hợp. Cần có sự giám sát khi trẻ dùng thuốc. Đưa trẻ đến khám định kì theo hẹn để bác sĩ đánh giá tác dụng của thuốc.
  • Kết hợp hai phương pháp trên mang lại hiệu quả tốt cho những trường hợp lo âu nặng.

Tiên lượng được cải thiện nhờ can thiệp sớm, hỗ trợ của người chăm sóc và sự đồng hành của nhà chuyên môn.

Một số hoạt động điều chỉnh lối sống giúp ích cho cải thiện lo âu:

  • Hoạt động thể thao thường xuyên, khoảng 30 phút/ngày;
  • Ăn uống đúng giờ, đủ chất;
  • Không dùng trà, cà phê hay các chất kích thích khác như thuốc lá, bia rượu,..;
  • Ngủ đủ giấc, khuyến cáo 8-9 tiếng/ngày;
  • Giải quyết vấn đề gây lo lắng;
  • Tập yoga, chánh niệm, hoặc thư giãn;
  • Tập thở thư giãn 4 thì. (hít vào 3 giây, nín thở 3 giây, thở ra 3 giây, giữ 3 giây).

Tài liệu tham khảo:

1. American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th Edn. Arlington, VA: American Psychiatric Association, 991.

2. Ghandour, R. M., Sherman, L. J., Vladutiu, C. J., Ali, M. M., Lynch, S. E., Bitsko, R. H., et al. (2019). Prevalence and treatment of depression, anxiety, and conduct problems in US children. J. Pediatr.206, 256–267.e253.

3. Rapee, R. M., Schniering, C. A., and Hudson, J. L. (2009). Anxiety disorders during childhood and adolescence: origins and treatment.

Bất cứ khi nào trẻ có các dấu hiện rối loạn lo âu hoặc nghi ngờ rối loạn lo âu, cha mẹ hoặc người giám hộ có thể đưa trẻ đến khám tại Phòng khám Khoa sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương:

  • Phòng khám 53 – Khoa Khám bệnh Đa khoa
  • Hotline tư vấn và CSKH: 086 512 2783

ThS. BSNT Vũ Thị Mỹ Hạnh
TS.BS Đỗ Minh Loan
Khoa Sức khoẻ Vị thành niên

Kết Nối

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Bài Viết Phổ Biến

    Danh Mục